14/10/2015 - 21:17

Sự lựa chọn của yêu thương

Truyện dài "Tôi mang thai đứa con của chị gái" của tác giả Tạ Hà Như Bình là câu chuyện nhân văn về số phận người phụ nữ, về khát khao được làm mẹ và quá trình đấu tranh để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Sách do NXB Văn học phối hợp với Quảng Văn Books phát hành tháng 9-2015.

Đây là một trong 5 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo "Giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm" lần thứ nhất (2014-2015). Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 tới. Các tác phẩm dự thi hướng đến giá trị, phẩm chất và sự tự chủ của người phụ nữ trong thời đại mới.

"Tôi mang thai đứa con của chị gái" được Tạ Hà Như Bình viết trong quá trình chứng kiến nỗi mong chờ, khao khát có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó có người bạn thân và chị gái của cô. Khi cả nước bàn về dự thảo luật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, câu chuyện vừa có tính thời sự, vừa để lại cho người đọc những khoảng lặng để suy ngẫm về hạnh phúc, tình thân ruột thịt.

Truyện kể về cuộc đời bất hạnh của 3 chị em gái. Cha mẹ qua đời trong một tai nạn lao động, người chị Cả mới 15 tuổi phải gánh vác cả gia đình, nuôi cô em thứ hai 10 tuổi bị dị tật ở chân và cô út mới lên ba. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, 3 chị em cuối cùng cũng yên ấm với gia đình riêng. Tuy nhiên, chị Hai bị hiếm muộn, nhiều lần thụ tinh nhân tạo vẫn không thành. Cô em út quyết định mang thai hộ chị gái mình...

Số phận của 3 chị em trong truyện được khắc họa từ những nguyên mẫu khá phổ biến trong đời thường nhưng trên hết, cách các cô gái đối mặt với khó khăn, thử thách và hy sinh vì nhau là điểm sáng.

Người chị Cả đã đè nén tình cảm cá nhân, từ chối nhiều lời dạm ngõ để nuôi các em lớn khôn. Đến khi lấy chồng - một người có tiền sử tâm thần - bằng sự yêu thương, chia sẻ, chị đã giúp người bạn đời của mình hồi phục. Chị Hai dù tật nguyền ốm yếu vẫn làm lụng giúp chị Cả nuôi em út học hành đến ngày ra trường. Khi có người thật lòng, cô trân trọng hạnh phúc có được và luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm vợ hiền, dâu thảo. Kết cuộc đau lòng từ một lần lỡ lầm với tình yêu tuổi trẻ khiến người em út tên Hồng e dè, cẩn trọng với đàn ông. Vết thương lòng của cô được chữa lành bởi tình yêu chân thành của Tiệp và hai người có một cô con gái dễ thương. Dù đang chuẩn bị để có con thứ hai nhưng Hồng vẫn dời lại dự định của mình để mang thai hộ chị Hai, giúp chị thỏa ước nguyện làm mẹ.

Điểm nhấn quan trọng để câu chuyện không bị trôi theo mạch kể lể nhàm chán chính là mặt trái của hôn nhân, là những giằng xé nội tâm giữa lựa chọn: ích kỷ hay bao dung. Điển hình chính là cuộc sống của Hồng sau khi mang thai hộ chị gái. Dù đó là việc làm ý nghĩa nhưng nó cũng khiến hôn nhân của cô trở nên ngột ngạt, khó chịu. Đỉnh điểm là khi Hồng phát hiện chồng có nhân tình khiến cô trở dạ, sinh con sớm. Nỗi đau càng quặn thắt khi vì lần sinh này, cô khó có con được nữa...

Những đau đớn, tủi hờn khi bị chồng phản bội; những dằn hắt, ghen tỵ của Hồng với hạnh phúc làm mẹ của chị Hai... được lột tả chân thực và sâu sắc, khiến người đọc cảm thông và chia sẻ. Bởi đôi khi, hạnh phúc của người này lại mang đến nỗi buồn cho người khác. Giữa những bế tắc, xung đột, tác giả đã giải quyết các vấn đề một cách nhân văn khi để cho tình yêu thương, lòng khoan dung giúp các nhân vật tỉnh ngộ, tìm lại được hạnh phúc. Và dù cái giá phải trả để nhận ra chân tình không hề nhỏ nhưng họ vẫn không hối tiếc bởi đó là sự lựa chọn của yêu thương.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết