23/03/2017 - 10:31

Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu sụt lún ở ĐBSCL

Tại ĐBSCL nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động ngày càng gia tăng dẫn đến: gia tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất (nước nhạt) trên quy mô lớn làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước này; xâm nhập mặn nguồn nước mặt và mặn hóa nguồn nước dưới đất… Đồng thời, sụt lún đất ngày càng tăng do gia tăng khai thác nước dưới đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và tình trạng thoát nước ở tầng nông dưới đất… Vì vậy, cần có những chiến lược thích ứng dựa trên điều kiện thực tế nhằm hạn chế tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước dưới đất, gây gia tăng sụt lún, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Tình trạng sụt lún diễn ra nhanh

Nước nhạt tại ĐBSCL được khai thác thông qua hệ thống bơm và được sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Thời gian gần đây, lưu lượng nước dưới đất được khai thác ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả nghiên cứu từ Dự án "Rise and Fall" do một số viện/trường tại Hà Lan và Việt Nam kết hợp thực hiện, mức độ khai thác nêu trên đã và đang vượt quá trữ lượng phân bổ tự nhiên (thông qua mưa hoặc từ nguồn nước mặt bổ cập) dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng của các tầng chứa nước dưới đất. "Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ bổ cập nước đạt mức thấp do sự hiện diện của các lớp đất sét cản trở quá trình bổ cập tự nhiên. Hơn nữa, việc khai thác nước dưới đất hiện tại có khả năng gia tăng xâm nhập mặn vào các tầng nước nhạt dưới đất. Lượng nước nhạt sẽ suy giảm trong thời gian tới do tác động của mực nước biển dâng từ quá khứ đến hiện tại cũng như thực trạng khai thác nước dưới đất" - ông Piet Hoekstra, Trường Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết.

Sạt lở làm sụp nguyên phần nhà sau của một hộ dân ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ vào sáng 21-2-2017. Ảnh: MỸ TÚ

Theo ông Piet Hoekstra, mực nước biển tương tối (tổng mực nước biển dâng tuyệt đối và mức độ sụt lún bề mặt đất) ở ĐBSCL đang gia tăng. Với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tại khu vực Đông Nam Á, mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng 3-4 mm/năm. Nhưng, nhiều phần diện tích ở nông thôn vùng ĐBSCL có mức sụt lún khoảng 10-20 mm/năm và ở thành thị và các khu công nghiệp, mức độ sụt lún lên đến 25mm/năm. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do tốc độ khai thác nước dưới đất đang diễn ra ngày càng nhanh. Mức độ sụt lún ngày càng cao hơn đáng kể so với mực nước biển tuyệt đối gia tăng. "Hậu quả của sụt lún còn đáng quan ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Sự sụt lún đã và đang diễn ra rất nhanh, đặc biệt là do tác động của việc khai thác ồ ạt nguồn nước dưới mặt đất trên quy mô lớn từ những năm 90 của thế kỷ XX. Nguyên nhân chính của sụt lún phần lớn do sự suy giảm áp lực của nguồn nước dưới đất, do khai thác không hợp lý và việc gia tăng áp lực từ các công trình, cơ sở hạ tầng trên bề mặt đất" - ông Piet Hoekstra kết luận.

Gia tăng thách thức

Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Mực nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khuynh hướng hạ thấp hằng năm, mực nước hạ thấp trung bình ở các tầng chứa dao động từ 0,31-0,81m/năm. Điều này dẫn đến gia tăng lưu lượng khai thác nước phục vụ cho các mục đích sử dụng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số địa phương đã khai thác vượt ngưỡng khuyến cáo an toàn (20% trữ lượng tiềm năng).

Hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn còn các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng nhưng chưa được trám lấp triệt để theo quy định. Do đó, phát sinh tình trạng thiếu nước cho sản xuất trong mùa khô dẫn đến trường hợp bổ cập nước nhân tạo, tự phát nước cho các tầng chứa nước, nhất là tầng nông làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm và xâm nhập mặn cho tầng chứa nước dưới đất. Từ năm 2013 đến nay, đặc biệt là mùa khô 2015-2016, do tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể là tác động của hạn hán, xâm nhập mặn gây thiếu nước cho sản xuất. Nhiều địa phương phát sinh tình trạng khoan giếng khai thác nước dưới đất tưới cho lúa, rau màu và nuôi thủy sản. Đây là yếu tố góp phần đẩy nhanh tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước dưới đất, đòi hỏi các ngành, các địa phương cần quan tâm trong quy hoạch đầu tư phát triển, xây dựng lịch thời vụ phù hợp.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước cũng còn nhiều khó khăn. Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, thành phố đã hoàn thành xây dựng, đấu thầu Dự án "Điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu và quy hoạch tài nguyên nước dưới đất để phục vụ quản lý, khai thác bảo vệ bền vững nước dưới đất trên địa bàn TP Cần Thơ". Sở TN&MT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn vào năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, dự án này chưa được triển khai vì điều kiện năng lực của đơn vị tư vấn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện… Trong khi đó, theo ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên khoáng sản, nước và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT TP Cần Thơ, do công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước của thành phố chưa triển khai nên chưa xác định và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác. Do đó, đến nay, thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và cấp phép tài nguyên nước; việc xây dựng danh mục các giếng khoan không còn sử dụng, cần trám lấp chưa kịp thời. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn quản lý về tài nguyên nước từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn vừa thiếu, vừa yếu lại vừa không ổn định (phần lớn đều kiêm nhiệm) nên rất khó bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý. Vì vậy, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn nhiều giới hạn khi nội dung quản lý nhà nước theo Luật Tài nguyên nước rất nhiều và đều quan trọng.

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Theo các nhà khoa học, phần lớn cao trình bề mặt đất tại ĐBSCL thấp hơn 1m so với mực nước biển. Bên cạnh đó, gia tăng khai thác nước dưới đất sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới nên sự gia tăng sụt lún và xâm nhập mặn vào nguồn nước dưới đất sẽ còn tiếp tục. Trong quá trình này, một đồng bằng thấp như ĐBSCL sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn đối với thiên tai. Theo Piet Hoekstra, Trường Đại học Utrecht, cần có những chiến lược thích ứng dựa trên điều kiện thực tế nhằm hạn chế tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước đất của vùng. Phát triển các chiến lược thích ứng hướng đến các giải pháp bền vững đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều bên: chính quyền cấp địa phương, khu vực và cấp quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh tế cùng những viện/trường nghiên cứu có liên quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế, khắc phục những thách thức đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất để sử dụng lâu bền cần thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và công bố công khai diễn biến về chất lượng, số lượng tài nguyên nước dưới đất, tình hình xâm nhập mặn ở các tầng chứa nước; hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình điều tra cơ bản về tài nguyên nước, như: điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất…

Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước có hiệu quả hơn, ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên khoáng sản, nước và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT TP Cần Thơ, đề nghị: Cục Quản lý tài nguyên nước cần nghiên cứu, đề xuất Bộ TN&MT xây dựng phương án thành lập cơ quan chuyên môn quản lý tài nguyên nước cấp địa phương. Ở cấp trung ương Trung ương thành lập Tổng cục Quản lý tài nguyên nước, cấp tỉnh nên thành lập Chi cục Quản lý tài nguyên nước. Bộ TN&MT sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, điều chỉnh giá thuế tài nguyên nước hợp lý hơn để người sử dụng có ý thức dùng nước tiết kiệm, hợp lý hơn. Theo ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cần thay đổi quan điểm của người sử dụng nước dưới đất và cả cán bộ theo hướng xem đây là nguồn "dự trữ chiến lược", chỉ bơm sử dụng trong trường hợp khô hạn lớn. Trung ương cần nhanh chóng nghiên cứu triển khai công nghệ bơm nước vào tầng chứa nước để dự trữ vừa giúp nâng cao mực nước ngầm đang bị suy giảm, đồng thời giúp cải thiện tình trạng lún đất.

Quang Đăng

Chia sẻ bài viết