25/01/2018 - 16:01

Sự cố kỹ thuật sàn HOSE gây thiệt hại bao nhiêu? 

Hãng tin tài chính lớn nhất thế giới - Bloomberg của Mỹ ngày 24-1-2018 đưa tin: Các sự cố kỹ thuật sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) như vậy có thể gây tổn hại cho thị trường, đặc biệt trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài…

Dòng bôi đậm là Nước ngoài mua ròng 523 tỷ đồng trên sàn HOSE trong ngày 19-1-2018.

Sự cố kỹ thuật hy hữu xảy ra trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE vào chiều ngày 22-1-2018 và làm cho sàn HOSE ngưng giao dịch hai ngày 23 và 24-1 để khắc phục sữa chữa. Sự cố bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều ngày 22-1, khi đó các lệnh mua bán và bảng điện tử giá giao dịch của các công ty chứng khoán kết nối đến sàn HOSE đều bị chậm và đứt quãng. Đến 2 giờ 30 phút, lúc bước vào phiên giao dịch định kỳ ATC để kết thúc phiên và lấy giá tham chiếu cho ngày hôm sau thì các công ty chứng khoán thành viên bị mất kết nối hoàn toàn với sàn HOSE.

Hậu quả là sàn HOSE phải công bố hủy kết quả giao dịch phiên ATC và lấy kết quả khớp lệnh cuối phiên 2 để làm giá tham chiếu cho ngày giao dịch 25-1 tiếp theo. Theo thông tin từ ông Lê Hải Trà – Thành viên HĐQT là người phụ trách HĐQT Sở GDCK TP HCM (HOSE) thì lỗi báo là “OverFlow”. Đây có thể là lỗi tràn hệ thống của phần mềm do số lượng lệnh giao dịch nhập vào sàn HOSE tăng đột biến trong ngày 22-1?

Nói về con số thiệt hại cụ thể có thể cân đo đong đếm được thì sàn HOSE ngưng giao dịch trong hơn 2 phiên với trung bình là 10 ngàn tỉ đồng khớp lệnh một phiên của sàn này đã làm mất đi hơn 20 tỉ đồng tiền thuế của nhà nước, thuế 0,1% trên tổng giá trị bán chứng khoán. Phí giao dịch của các công ty chứng khoán thấp nhất là 0,15% cho một lệnh mua và 0,15% cho một lệnh bán (nhà đầu tư cá nhân mức phí phổ biến hiện nay là 0,25%) thì đã mất đi hơn 60 tỉ đồng tiền phí giao dịch. Còn dòng vốn của nhà đầu từ nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì trung bình các phiên trước đó họ mua ròng một phiên là hơn 500 tỉ đồng, như vậy cũng đã mất đi hơn 1.000 tỷ đồng thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng cái mất mát từ những thứ không cân đo đong đếm được mới là cái quan trọng hơn. Đó là uy tín, là niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với Thị trường Chứng khoán Việt Nam, trong khi năm 2018 này là năm quan trọng để Thị trường Chứng khoán Việt Nam được xem xét thăng hạn, gia nhập vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi trên thế giới.

Công nghệ là cái gì đó có thể nói nghe nó quá cao siêu nhưng cũng có thể rất gần gũi với chúng ta hằng ngày. Trong trường hợp này nó có thể chỉ là một phần mềm và một số máy chủ nhất định nhưng nếu chúng ta không đầu tư, trang bị đúng chuẩn, đúng định hướng thì có thể chúng ta sẽ không thể lường hết được những thiệt hại mà nó sẽ gây ra...

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết