28/06/2023 - 12:01

SPL muốn vào tốp 10 thế giới 

BÌNH DƯƠNG

Hồi đầu tháng, Quỹ Ðầu tư công của Saudi Arabia xác nhận đã kiểm soát 4 CLB ở giải vô địch quốc gia nước này (SPL) là Al Hilal, Al Ittihad, Al Nassr và Al Ahli, trong khi những đội còn lại cũng sẽ sớm nối gót. Mục đích của Saudi Arabia là đưa SPL vào tốp 10 giải đấu tốt nhất thế giới bằng cách nâng cao đáng kể chất lượng và lợi nhuận.

Ronaldo (giữa) trong màu áo Al Nassr. Ảnh: Reuters

SPL được thành lập vào năm 1976 và chính thức tiến lên chuyên nghiệp từ năm 2007. Chỉ một vài trận tại SPL thu hút được 60.000 khán giả đến sân, chứ không phải phần lớn các trận. Lý do là vì chất lượng chung của giải chưa đủ cao. Do vậy, sau khi Al Ittihad chiêu mộ tiền đạo Karim Benzema từ Real Madrid, các đội khác ở SPL cũng ra sức lôi kéo nhiều ngôi sao châu Âu về đấu trường mà Cristiano Ronaldo đang thi đấu. Chiến lược phát triển của SPL còn là mở rộng các sân vận động, năng lực phát sóng và tính chuyên nghiệp của giải.

Sự trỗi dậy của SPL gợi nhớ đến câu chuyện ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc (CSL) giai đoạn 2015-2017. Mọi chuyện bắt đầu khi lãnh đạo nước này công bố tham vọng phát triển ngành công nghiệp thể thao nội địa để cạnh tranh với Mỹ và giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc bóng đá. Ðiều này đã tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các CLB, HLV, sân vận động và các ngôi sao bóng đá.

Trong tháng 1-2016, CSL ghi nhận 3 lần phá kỷ lục chuyển nhượng. Ðầu tiên là CLB Giang Tô Tô Ninh chiêu mộ tiền vệ Ramires từ Chelsea với giá 24 triệu Bảng, rồi sau đó Quảng Châu Evergrande trả cho Atletico Madrid 25 triệu Bảng để sở hữu chân sút Jackson Martinez, khiến Giang Tô Tô Ninh đáp trả bằng cách bỏ ra 38,5 triệu Bảng mang về tiền vệ công Alex Teixeira.

Mùa hè năm đó, Thượng Hải SIPG xô đổ kỷ lục chuyển nhượng khi chi tới 45 triệu Bảng để mua ngôi sao Hulk. Không lâu sau, Thượng Hải SIPG tự phá kỷ lục của chính mình với bản hợp đồng 52 triệu Bảng mang tên Oscar.

Lương cầu thủ cũng là điều đáng nói. Thân Hoa Thượng Hải từng trả cho cầu thủ 32 tuổi Carlos Tevez hơn 30 triệu Bảng/năm, trong khi Sơn Ðông Lỗ Năng “biến” Graziano Pelle thành cầu thủ có thu nhập cao thứ 7 thế giới. Khi đó, Ronaldo đã từ chối đề nghị trị giá 85 triệu Bảng/năm từ một đội giấu tên ở CSL.

Tuy nhiên, Saudi Arabia có lợi thế hơn Trung Quốc bởi nước này gần châu Âu hơn, xét về khoảng cách địa lý. Bay từ Thủ đô Riyadh sang châu Âu chỉ mất 6 giờ. Theo Omar Chaudhuri, đại diện của tổ chức tư vấn thể thao Twenty First Group (Anh), Saudi Arabia đứng thứ 58 trên bảng xếp hạng các giải đấu toàn cầu khi Ronaldo gia nhập và hiện đã nhảy lên vị trí 54. Giải J1 League của Nhật Bản mạnh nhất châu Á và xếp thứ 22 thế giới.

Ðể chen chân vào tốp 30 của thế giới trong ngắn hạn, SPL sẽ cần có đa số cầu thủ ngoại, nhưng điều này vi phạm quy định về phát triển cầu thủ “cây nhà lá vườn” của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Kể từ mùa giải tới, các đội dự AFC Champions League được đăng ký tối đa 6 ngoại binh, thay vì 4 như lâu nay. Do vậy, Saudi Arabia sẽ phải tập trung phát triển cầu thủ tài năng của mình để cải thiện giải quốc nội.

Chia sẻ bài viết