11/08/2019 - 07:17

Sông ngoài kia vẫn chảy 

Truyện ngắn: NGUYỄN AN BÌNH

Ở đất Xẻo Nhum này ai cũng biết trại xuồng của ông Ba Nhị. Xuồng ghe làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó, nên lúc cậu Ba đưa Ngàn đến học việc được chủ xuồng nhận ngay vì trại xuồng luôn thiếu người. Học việc có cái giá của học việc, chỉ được nuôi cơm ngày ba bữa. Đối với thằng bé mới 15 tuổi, không cha không mẹ, được như thế là đã mừng lắm rồi. Trước khi ra về cậu Ba giúi ít tiền vào tay Ngàn, dặn dò cháu học hành chăm chỉ có nghề với người ta.

Ngàn không nói gì, chỉ nhìn cậu với ánh mắt buồn buồn đưa cậu xuống ghe. Vậy mà cũng qua năm năm kể từ ngày ấy, từ một cậu học việc không biết gì, cầm cây cưa, cây đục, cái bào lóng ngóng, nay Ngàn đã trở thành một thợ lành nghề. Có lẽ một phần nhờ sự siêng năng cần mẫn của Ngàn, một phần nhờ sự hướng dẫn tận tình của chú Được, người thợ cả. Để hoàn thành một chiếc xuồng đạt yêu cầu, phải qua nhiều công đoạn vất vả, từ cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn… Trong các khâu đó, khâu ráp cong là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Ngàn nghe bạn thợ kể lại quê chú miệt Sông Đốc, Cà Mau, là con của một chủ trại xuồng có tiếng, phải lòng cô thôn nữ xuôi ngược thương hồ nên cha mẹ không chấp nhận, cả hai dắt díu nhau tha phương. Chẳng may thím mất sớm, chú buồn không muốn về quê nữa.

Một đêm hai chú cháu ngồi chờ nước rong cất vó, Ngàn buột miệng:

- Con nhớ sông quá chú ơi.

Tiếng của chú Được như trôi theo dòng nước:

- Mầy nói lạ, sông đang ở trước mặt mà nhớ cái nỗi gì?

Ngàn ngoảnh nhìn sông:

- Chú không biết đâu, con nhớ thiệt. Nhớ từng dòng sông bến nước hồi nhỏ đã đi, nhớ những bữa cơm chiều không có nhiều thịt cá nhưng ấm áp bên cạnh ba mẹ, nhớ dì Tư, em Trâm...

- Cái thằng nói làm chú cũng nhớ nhà quá, không biết bây giờ ông bà già chú có còn sống không nữa.

- Sao chú không về thăm?

- Chú cũng muốn lắm nhưng biết còn ai nhớ mình không.

Câu nói của chú làm Ngàn nghĩ đến mẹ. Người phụ nữ hiền hậu được xem là người đẹp nhất nhì của đất Cái Trâm quanh năm ngọt phù sa sông Hậu, phải lòng một anh thương hồ rày đây mai đó trên sông nước. Ngàn đã ra đời ngay trên nhánh sông mà mẹ cha xuôi ngược hằng ngày mưu sinh. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc êm đềm ấy chỉ được năm bảy năm ngắn ngủi thì cha mất. Mẹ không lên bờ mà nối nghiệp cha rày đây mai đó. Ngoại xót lòng gọi mẹ về nhưng mẹ sợ người ta nói ra nói vào buồn lòng ngoại nên từ chối.

Rồi ngoại cũng mất, mẹ chịu tang xong thì về lại với sông. Có lẽ chỉ sống với sông mẹ mới cảm thấy hạnh phúc. Rồi mẹ lại theo cha bỏ lại Ngàn trong một đêm mưa gió. Người ta đưa Ngàn về cho cậu Ba, em của mẹ. Nhưng giữa Ngàn và gia đình cậu Ba vẫn ngăn cách vì mợ không mở lòng đón nhận đứa cháu côi cút của cậu. May mà có dì Tư, mẹ của Trâm, xin cậu cho dì Tư nhận nuôi Ngàn. Dì Tư cùng là bạn hàng bông của mẹ, gặp nhau trên sông nước, những lúc tụ thuyền nghỉ đêm ở một bến sông, nhận làm chị em. Lúc về sống với dì Tư và em Trâm, Ngàn mới mười hai tuổi. Có thể nói từ khi mồ côi, đây là khoảng thời gian Ngàn sống vui vẻ nhất. Dì Tư xem Ngàn như con trai, còn Trâm con của dì mới hơn mười tuổi, có thêm bạn thì vui hẳn lên và luôn tíu tít với Ngàn. Ngược lại, Ngàn thực sự thương Trâm như ruột thịt nên luôn tìm cách làm cho Trâm vui, những lúc có dịp lên bờ, Ngàn thường mua cho Trâm gói bánh, viên kẹo, thậm chí còn mua cả gương, lược, nơ cài tóc cho Trâm.

Những tháng ngày đó kéo dài ba năm, đến khi cậu Ba nhắn tin cùng dì xin đón Ngàn về để học nghề lo cho tương lai. Hôm chia tay, Trâm ngắt một rổ bông điên điển bên triền sông, làm nồi canh chua thật ngon, cùng ơ cá rô kho tộ tiễn Ngàn. Trâm cứ thút thít mãi, dì Tư dỗ dành miết cũng không chịu nín. Không biết giờ dì Tư và Trâm đang xuôi ngược ở những ngã sông nào.

*        *         *

Buổi trưa hôm ấy, nhóm thợ trại xuồng dừng tay giải lao, Út Thơm, con gái út của ông chủ trại bưng đến một rổ khoai luộc rõ to còn bốc khói, cùng với thùng trà đá mang theo. Út Thơm lựa một củ khoai to đưa cho Ngàn:

- Củ khoai này lớn nhất đó nghe anh Ngàn!

Đương lúc mọi người cười vang trêu ghẹo Út Thơm thiên vị, ngoài sông có tiếng rao hàng, cùng lúc một chiếc ghe hàng bông trờ tới. Út Thơm lên tiếng gọi, bước xuống bến nước, ghe tấp bến, cô gái cầm dây cột vào cái cọc ở bến nước… Một thợ trẻ chợt nói với Ngàn:

- Cô bé hàng bông nhìn đẹp không thua Út Thơm…

Ngàn nhìn ra bến nước, chợt giật mình vì cô hàng bông giống Trâm quá. Tự dưng Ngàn thấy nôn nao trong bụng, chờ lúc ghe sắp buông dây Ngàn chạy vội ra bến nước. Đúng là Trâm rồi, má lúm đồng tiền, đôi mắt to, gương mặt quen thuộc, làm sao Ngàn quên được. Ngàn run giọng:

- Em Trâm con dì Tư phải không?

Cô gái sững sờ nhìn Ngàn:

- Anh Ngàn?

Ngàn mừng quýnh, vội vàng ngó vào khoang ghe:

- Dì Tư đâu sao anh không thấy?

Trâm nhìn dáng mừng rỡ vội vàng của Ngàn, lòng chợt trĩu nặng:

- Mẹ mất đã hai năm rồi anh Ngàn ơi. Mẹ muốn được hỏa táng rồi gởi vào một ngôi chùa ở Cầu Nhiếm. Trên đường em thường ghé ghe thăm mẹ. Trước khi mất, mẹ cứ nhắc anh hoài…

- Cậu đưa anh về đây học nghề đóng xuồng. Anh nhớ dì Tư và Trâm lắm nhưng không biết đi đâu để gặp...

- Đời sông nước tăm cá biệt tăm biết đâu mà tìm- Giọng hụt hẫng mất mát của Ngàn làm Trâm rân rấn nước mắt. Ngàn cũng ngậm ngùi:

- Dì mất rồi em lênh đênh sông nước khắp nơi chỉ có một mình sao? Tối nay ghe em đậu ở đâu?

- Em định ghé chợ xã bên kia cầu.

- Em chờ anh được không? Gặp anh rồi hãy đi, nhất định phải gặp.

Ánh mắt Trâm sáng lên, khẽ đáp "Dạ", rồi tháo dây cột dùng sào đẩy ghe ra giữa sông cho mũi quay về phía trước. Ngàn nhìn theo lòng chua xót, bần thần bước về trại xuồng, chú Được thấy hơi lạ, hỏi:

- Người quen hả bây?

- Dạ, em Trâm con của dì Tư, từng cưu mang con mấy năm con mới mồ côi...

Nói tới đây, những kỷ niệm ấm áp tình thương mà dì Tư dành cho Ngàn ùa về. Ngàn ngưng tiếng, mà trong lòng đã định.

*        *        *

Sáng hôm sau, không thấy Ngàn đâu, mọi người hỏi thăm, chú Được thủng thẳng:

- Thằng Ngàn xin phép về thăm cậu nó rồi. Chắc vài bữa nó lên...

Nói vậy nhưng trong thâm tâm chú biết lần nầy Ngàn đi chắc không quay lại. Ngàn nghe theo tiếng gọi của dòng sông, của kiếp thương hồ trong máu thịt từ hồi còn đỏ hỏn lận mà. Đi để trả nợ ân tình cho dòng sông và cho những người đã cưu mang Ngàn những lúc đơn côi nhứt.

Ngàn đi rồi, còn có một người còn buồn hơn chú Được. Chú nhìn dáng Út Thơm ngẩn ngơ nhìn bến nước những buổi chiều mặt trời buông chút ánh sáng cuối cùng trên mặt sông lững lờ, thấy đời người ta cũng lạ, khi trôi nổi trên sông nước lại muốn bỏ sông lên bờ, nhưng cũng có người trên bờ lại muốn bỏ bờ về lại với sông. Cuộc đời là thế, chỉ có sông muôn đời vẫn vậy, chảy miên man không ngơi nghỉ, mang theo bao niềm vui và bấy nhiêu nỗi buồn, những hạnh phúc và những đau buồn của một kiếp người. Nhưng biết làm sao được. Sông mà.

Chia sẻ bài viết