24/08/2017 - 20:46

Sống có mục tiêu, hoài bão 

Bên cạnh nhiều bạn nỗ lực vượt khó học tập và rèn luyện tốt, một bộ phận người trẻ đang “mơ hồ” về mục tiêu phấn đấu, sống đua đòi, cùng bạn bè ăn chơi, xao nhãng việc học. Vì vậy, không ít bạn trẻ dở dang việc học hành, không có nghề nghiệp ổn định, hoặc sa đà vào tệ nạn xã hội, vay mượn tiền, rồi lâm cảnh nợ nần, gây bao phiền lụy cho gia đình. Để định hướng thanh thiếu niên sống có mục tiêu, lý tưởng, rất cần các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh... 

Nhiều bạn trẻ không chỉ học giỏi, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: Q. THÁI

Chạy theo giá trị “ảo”

Chia sẻ về quá trình học tập, Trương Quốc Huy (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhân viên bán hàng tại tiệm điện thoại di động ở quận Thốt Nốt, tỏ ra hối hận. Huy từng trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Cần Thơ. Đến năm học thứ 2, khi nhiều học phần không đạt yêu cầu, Huy cảm thấy chán nản nên bỏ học giữa chừng. Thời phổ thông, Huy từng là học sinh giỏi, thế nên chuyện Huy học yếu, rồi bỏ học đại học khiến gia đình, bạn bè vừa bất ngờ, vừa cảm thấy nuối tiếc. Huy bộc bạch: “Tôi theo bạn bè làm việc bán thời gian ở các cửa hiệu thời trang để kiếm thêm thu nhập”. Khi thấy bạn bè đạt doanh số cao, thu nhập khá, sắm điện thoại, xe mới, quần áo “hiệu”, Huy chuyển sang làm toàn thời gian,  mong muốn thu nhập cao hơn. Kết quả, Huy cũng đạt thành ước nguyện sử dụng “hàng hiệu” như bạn bè, nhưng bắt đầu xao nhãng việc học nên kết quả học tập sa sút. Dưới áp lực doanh số và nhiều học phần bị nợ, Huy quyết định bỏ học.

Gần 1 năm sau, công ty gặp khó khăn nên giảm nhân viên và Huy nằm trong số bị tinh giản. Với bằng THPT, không tay nghề, Huy xin việc rất khó khăn, nếu có thì thu nhập không cao. Từ đó đến nay, Huy đổi việc liên tục nhưng vẫn chỉ là những việc phổ thông, thu nhập bấp bênh, trong khi bạn bè trở thành kỹ sư, có việc làm, thu nhập ổn định, rộng mở cơ hội thăng tiến. Huy tâm sự: “Khi biết chuyện, cha mẹ tôi rất tức giận”. Huy đang học nghề sửa chữa điện thoại để có tay nghề vững vàng, nâng cao thu nhập.

Tôi gặp lại Hoài V. (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đang làm phục vụ trong quán cà phê ở quận Ninh Kiều gần 2 năm. Trước đây, V. học lập trình viên quốc tế nhưng thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi, bài bạc, cá độ bóng đá thâu đêm. V. vung tay quá trớn, đến nỗi phải vay tiền xã hội đen. V. lừa cha mẹ xin tiền học thêm ngoại ngữ, mua sách vở, thật ra để trả lãi vay. Đến khi không xoay xở được, chủ nợ đến tận quê, tìm cha mẹ V. để giải quyết. Bị cha mẹ “từ” mặt, V. bỏ học và đi làm công nhân, phục vụ quán cà phê...

Mục tiêu phấn đấu rõ ràng

Theo nhiều bạn trẻ, do điều kiện sống xa nhà, ít chịu sự quản lý của gia đình, đối mặt với nhiều cám dỗ, sinh viên dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Trần Thị Kim Hương, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Đô), cho rằng, hầu hết sinh viên còn phụ thuộc gia đình nên việc chạy theo trào lưu mua sắm “đồ hiệu”, khiến sinh viên dễ dàng “cháy túi” và tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Bạn trẻ nên đầu tư chi phí học thêm ngoại ngữ, tin học để đáp ứng yêu cầu công việc tương lai. Bên cạnh đó, mỗi người nên xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong học tập và rèn luyện. Với mong muốn được làm việc trong công ty lớn, Kim Hương chọn việc làm thêm là hướng dẫn khách nước ngoài tham quan các điểm homestay. Qua đó, Hương vừa thực hành giao tiếp tiếng Anh, vừa trau dồi kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể và có thu nhập trang trải chi phí học tập.

Việc xác lập mục tiêu, lý tưởng phấn đấu trong học tập và rèn luyện có ý nghĩa rất quan trọng bởi đó là động lực thôi thúc bạn trẻ vượt khó, biết sống đẹp, sống có ích, trở thành công dân tốt. Với mong muốn trên, thời gian qua, các cấp Hội Sinh viên trong thành phố tổ chức nhiều hoạt động giúp định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho sinh viên như: hướng nghiệp, tọa đàm chia sẻ phương pháp học tập, phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và ma túy trong học đường nói riêng; định hướng, giáo dục học sinh, sinh viên sống đẹp, sống có ích qua “Tuần lễ sinh hoạt học sinh, sinh viên”. Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng thành lập 49 tổ nắm bắt tình hình dư luận trong học sinh, sinh viên. Qua đó, tư vấn, hướng dẫn các bạn trẻ, tránh bị lôi kéo tham gia hoạt động vô bổ, tệ nạn xã hội; mạng lưới bán hàng đa cấp, ảnh hưởng việc học tập.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là ý thức tu dưỡng, rèn luyện của mỗi bạn trẻ, để trở thành công dân tốt, biết sống đẹp, có ích với gia đình, xã hội và không lãng phí tuổi trẻ…

TÚ ANH

Chia sẻ bài viết