26/03/2022 - 17:57

Sớm hoàn thành Quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ 

Mới đây, đơn vị tư vấn báo cáo nội dung tích hợp trong việc thực hiện lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lãnh đạo thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch TP Cần Thơ cũng đã cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của Quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn đang tập trung hoàn thiện để trình phê duyệt quy hoạch này, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong thời gian tới.

Khẩn trương hoàn thành quy hoạch

Thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao.

Thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, công tác lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm của  thành phố và có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Trên cơ sở Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã ban hành chỉ thị và kế hoạch triển khai nhằm cụ thể các yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho từng cơ quan đơn vị liên quan.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu tư vấn theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi; liên danh 4 nhà thầu gồm: Công ty BCG, Haskoning, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tiến được chọn và ký kết hợp đồng vào ngày 1-7-2021. Sau 8 tháng tổ chức triển khai thực hiện các bước theo quy trình, dự thảo báo cáo quy hoạch thành phố đã được cập nhật chỉnh sửa lần thứ 3 và cơ bản đã hoàn thành các nội dung theo quy định. Tài liệu gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch.

Theo quy định về thời hạn lập quy hoạch không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, như vậy còn 4 tháng nữa để hoàn thành quy hoạch này. Để đảm bảo thời gian, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với liên danh tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo báo cáo quy hoạch, thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo UBND thành phố nhằm thực hiện các bước còn lại.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn sẽ lấy ý kiến rộng rãi của người dân thành phố (trên trang thông tin điện tử thành phố) và bộ, ngành, địa phương lân cận; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (từ ngày 21-3 đến 20-4-2022); tổ chức họp trình Hội đồng Quy hoạch thành phố và họp trình Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch thành phố lần 2 (từ ngày 23-4 đến 27-4-2022); trình Hội đồng Thẩm định Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì (từ ngày 30-4 đến 15-5-2022); báo cáo Hội đồng Quy hoạch thành phố trình UBND thành phố (từ ngày 20-5 đến 30-5-2022). UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét thông qua (từ đầu tháng 6-2022); trình Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi HĐND thành phố quyết nghị thông qua nội dung quy hoạch (dự kiến cuối tháng 6-2022).

Góp ý hoàn thiện quy hoạch tích hợp thành phố

Theo đơn vị tư vấn, điểm nổi bật chính của Quy hoạch tổng thể TP Cần Thơ là đề ra tầm nhìn cho Cần Thơ, "trái tim" của ĐBSCL, để từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành thành phố xanh, đáng sống nhất Việt Nam; triển khai một loạt các hành động để nâng cao điều kiện sống và đẩy mạnh thu hút nhân tài, phát triển du lịch, dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng, các quận đô thị mới. Định hướng phát triển kinh tế có trọng tâm rõ ràng được xây dựng các mục tiêu cụ thể; 6 ngành ưu tiên tiêu biểu là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm, hậu cần, du lịch, bán lẻ. Xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững; hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau và được tích hợp với định hướng môi trường và xã hội, đồng thời có vai trò lớn ở khu vực ĐBSCL.

Chiến lược cho Cần Thơ đến năm 2030: "trái tim" của vùng ĐBSCL; phát triển trở thành trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất giá trị cao của vùng ĐBSCL. Trở thành thành phố thông minh đáng sống ở Việt Nam vào năm 2050.

+ Về định hướng không gian TP Cần Thơ là đô thị mang bản sắc sinh thái sông nước ĐBSCL; mặt tiền chính toàn đô thị là sông Hậu, bản sắc của từng quận, huyện là các sông nhánh. Song hành giữa đô thị thực và đô thị số; có 3 cấp độ về đô thị thông minh (kỹ thuật số - con người thông minh - cộng đồng thông minh)…

+ Về phân vùng liên quận huyện, TP Cần Thơ được chia thành 3 vùng: vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam (khoảng 34.000ha), vùng phát triển kinh tế phía Bắc (khoảng 69.000ha) và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc An Giang - Trần Đề (khoảng 37.000ha).

+ Cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế - xã hội, gồm 18 vùng: trung tâm đô thị lịch sử Ninh Kiều; trung tâm đô thị mới Cái Răng; cụm công nghiệp cảng và đô thị cảng Cái Cui; trung tâm công nghệ cao Cái Răng; trung tâm thương mại và dịch vụ Cái Răng; đô thị cảnh quan cao cấp; trung tâm chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng miệt vườn, du lịch sinh thái đặc thù nông thôn miền Tây; trung tâm đầu mối công nghệ nông nghiệp; trung tâm đô thị sân bay sân bay quốc tế Cần Thơ; đô thị đại học, y tế; khu công nghiệp năng lượng, logistics cảng; đô thị sinh thái, du lịch ven sông Hậu; trục đô thị hiện đại, nằm dọc theo lõi giao thông đa phương tiện; đô thị cảnh quan nông nghiệp; đô thị sinh thái sông nước Cờ Đỏ; khu vực sản xuất năng lượng mặt trời đan xen với nông nghiệp; dải đô thị công nghiệp sinh thái Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh; đô thị sinh thái dạng bọt biển Thới Lai.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: "Thống nhất theo đơn vị tư vấn là TP Cần Thơ phân ra thành 3 vùng liên quận huyện: vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam, vùng phát triển kinh tế phía Bắc và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc An Giang - Trần Đề, phù hợp theo điều kiện tự nhiên và các yếu tố hạ tầng của thành phố. Trong đó, vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây có thuận lợi từ đường cao tốc An Giang - Trần Đề đi qua, cần có nhiều trục đường kết nối đường cao tốc này. Về cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế - xã hội đến năm 2030 chia ra làm 18 vùng, Sở Xây dựng cũng thống nhất. Sở cũng lưu ý đơn vị tư vấn cần thể hiện rõ nét hơn cấu trúc không gian; nhất là khu vực đường tỉnh 922 kết nối từ khu vực nông thôn ra đến khu vực sân bay, đến trung tâm đô thị Ninh Kiều, đô thị Cái Răng… Đây là trục đường quan trọng trong phát triển thành phố".

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, khối lượng công việc đối với hợp phần giao thông, đến nay đơn vị tư vấn đã thực hiện đạt khoảng 70%. Sở Giao thông vận tải cũng đã có công văn góp ý rất cụ thể cho đơn vị tư vấn trong hợp phần giao thông. Trong đó, tư vấn cần lưu ý như cập nhập số liệu, các quy hoạch chuyên ngành giao thông cho phù hợp. Về đánh giá hiện trạng và dự báo nhu cầu giao thông của thành phố chỉ làm ở mức độ trên 5 phương thức giao thông thành phố đang có là đường bộ, thủy nội địa, hàng không, đường sắt và đường biển; hạ tầng giao thông chỉ quy hoạch tới các trục đường liên kết của các quận huyện, không quy hoạch chuyên nữa mà để dành cho quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân khu. Sở Giao thông vận tải thống nhất định hướng phát triển giao thông vận tải ở TP Cần Thơ do đơn vị tư vấn đưa ra, theo hướng kết nối liên vùng, thông suốt để phát triển bền vững...

Phát biểu tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch TP Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy, nhấn mạnh: Quy hoạch tích hợp phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những chiến lược quan trọng nhất. Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp đầy đủ chi tiết tài liệu cho các thành viên Ban Chỉ đạo; các sở, ngành dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin, rà soát đánh giá lại các nội dung cho phù hợp với ngành quản lý. Hội đồng Quy hoạch thành phố, UBND thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp các nội dung liên quan quy hoạch này. Trong phần liên quan đến chiến lược phải có ngành nghề trọng tâm phát triển của TP Cần Thơ, tiếp tục giảm tỷ trọng nông nghiệp, tập trung phát triển những ngành mới. Đơn vị tư vấn cần bổ sung một nhóm chuyên gia quốc tế có chuyên môn sâu, tập trung nguồn lực thực hiện lập quy hoạch, đồng thời quan tâm các dự án cho quy hoạch để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân đầu tư vào thành phố.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết