25/04/2022 - 00:15

Sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà 

Theo Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam (EVNSPC), các tỉnh, thành phía Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà, bởi có tổng số ngày nắng trong năm nhiều so với các địa phương khác, với lượng bức xạ mặt trời trên 4 giờ nắng/ngày. Cùng đó, ngành điện đã từng bước chuẩn hóa trong công tác quản lý, vận hành điện mặt trời mái nhà, từ nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, số hóa trong công tác giám sát, chuẩn hóa trong việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu, xử lý các hợp đồng đúng quy định. Theo đó, nhiều chủ đầu tư, nhất là nhiều doanh nghiệp đã tận dụng mái nhà xưởng ở các khu, cụm công nghiệp... để phát triển mô hình này.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty CP Toàn Mỹ, khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn.

Tính đến thời điểm này, EVNSPC đã có trên 53.969 khách hàng tại 21 tỉnh, thành phía Nam lắp đặt điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 5.581MWp góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Song, theo EVNSPC việc phát triển nguồn năng lượng này hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Chẳng hạn, đến nay Quyết định 13/2020/QÐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực, nên không còn áp dụng giá ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà và hiện vẫn chưa có cơ chế khuyến khích mới, ngành điện đã ngừng đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia. Cùng với đó, việc phát triển mạnh nguồn điện mặt trời tại khu vực phía Nam, trong khi cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành an toàn, đã gây khó khăn trong công tác vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia. Do đó, để đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện buộc phải thỏa thuận với khách hàng cắt giảm công suất điện mặt trời mái nhà và điều này đã gây khó khăn cho các đơn vị điện lực của EVNSPC khi phải làm việc với các chủ đầu tư điện mặt trời tại địa phương.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, khi ký hợp đồng bán điện, chủ đầu tư điện mặt trời phải cam kết là công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành; mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình, có kết cấu đảm bảo chịu lực dưới tác động của tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy. Tuy nhiên, ngành điện không có chức năng để kiểm tra các hạng mục công việc này... Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà là một mô hình mới được khuyến khích phát triển, nên có một số nội dung chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến các khó khăn khi ngành chức năng thực thi cũng như khách hàng chưa yên tâm khi đầu tư mô hình này.

Vì vậy, EVNSPC kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quy định về đầu tư điện mặt trời cho từng mô hình đầu tư như áp mái nhà ở, trang trại, nhà xưởng... Sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó chú trọng khuyến khích tích trữ năng lượng từ điện mặt trời và gió để sạc xe điện; cơ chế khuyến khích theo hướng trữ năng lượng vào thời gian thấp điểm phát cho cao điểm, tích trữ cho nhu cầu cấp đông, bảo quản nông sản, hải sản; nên khuyến khích phát triển các hệ thống điện mặt trời tự sản xuất - tự tiêu thụ điện tại các hộ gia đình và các nhà máy tại các doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu khai thác, sử dụng năng lượng sạch hiệu quả và bền vững. Ðồng thời, cần ban hành quy định về xử lý các vi phạm chính sách phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà, vi phạm trong quản lý vận hành. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các hệ thống điện mặt trời mái nhà, trang trại nông nghiệp trên địa bàn phải thực hiện xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… theo đúng quy định. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho khách hàng yên tâm đầu tư mô hình điện mặt trời mái nhà, góp phần đảm bảo mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn của các địa phương.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết