20/03/2014 - 09:03

Sóc Trăng phát huy tiềm năng khai thác biển

Sóc Trăng có chiều dài bờ biển trên 72km với 3 cửa sông chính đổ ra Biển Ðông là Ðịnh An, Trần Ðề, Mỹ Thanh, ngư trường rộng, nguồn lợi thủy sản từ biển rất phong phú. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định, thủy sản là thế mạnh thứ hai sau nông nghiệp, trong đó kinh tế biển Sóc Trăng gắn liền với cơ cấu kinh tế mũi nhọn từ nguồn lợi thủy sản nuôi trồng, đánh bắt hải sản, công nghiệp chế biến, thương mại – dịch vụ thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…

Những năm gần đây, khai thác biển ở Sóc Trăng luôn đứng thứ 15 trong tổng số 28 tỉnh có biển trên cả nước và đứng thứ 4 trong khu vực duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh đội tàu cá 1.055 chiếc với tổng công suất 100.930 CV, trong đó có 278 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 90 đến 380 CV trở lên mới được sửa chữa, nâng cấp, đóng mới với trang thiết bị hiện đại, có thể bám biển dài ngày. Vùng biển Sóc Trăng còn có hơn  50.000 ha  đất bãi bồi ven sông, biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác ven bờ, nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, tỉnh hỗ trợ nông dân vay vốn đóng mới phương tiện tàu thuyền từ quỹ hỗ trợ phát triển, khắc phục được tình trạng khai thác thủy hải sản ven bờ, đạt sản lượng trung bình từ 30 đến 35 nghìn tấn hải sản/năm, đóng góp đáng kể cho tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện nay, ngành khai thác biển ở Sóc Trăng phong phú với các nghề: cào đôi, lưới vây, lưới đèn, câu mực xuất khẩu, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Năm 2014 và những năm tiếp theo, Sóc Trăng sẽ đầu tư mạnh để phát huy khai thác tiềm năng biển, xứng đáng với thế mạnh thứ hai của tỉnh. Cụ thể, tỉnh chủ trương đầu tư mạnh cho công tác đánh bắt xa bờ, vừa phát huy khai thác tiềm năng từ biển nhưng cũng vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Tàu đánh bắt cá của ngư dân tại Cảng Trần Đề.

Năm 2013, tỉnh Sóc Trăng đạt sản  lượng khai thác hải sản trên 56.000 tấn, đã góp phần nâng hiệu quả khai thác và giá trị kinh tế cho ngư dân, đồng thời  thúc đẩy các hoạt động chế biến phát triển ổn định, thương mại – dịch vụ qua cảng và hậu cần nghề cá. Nghề khai thác biển chiếm khoảng 32,26% GDP của tỉnh, đạt tăng trưởng bình quân hằng năm trên 11% góp phần nâng cao giá trị trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương. Với chủ trương đầu tư mạnh cho đội tàu thuyền trong tỉnh, dự kiến đến năm 2015, Sóc Trăng có hơn 320 tàu xa bờ và đến năm 2020 số tàu thuyền đánh bắt xa bờ sẽ nâng lên con số 370  tàu,  đặc biệt là tàu có công suất từ 250 CV trở lên. Sóc Trăng còn có kế hoạch hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ bằng biện pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi để ngư dân có điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt và tàu vận tải, hoạt động đánh bắt xa bờ giảm chi phí đầu tư và sản phẩm đạt chất lượng cao hơn.  Đây là tín hiệu vui của ngư dân  trước tình hình đánh bắt gần bờ hiệu quả thấp, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy kiệt. Ngành thủy sản cũng đang xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền trú bão tại Cảng cá Trần Ðề giai đoạn 2 bao gồm kho đông lạnh; cung cấp nước đá, xăng, dầu; dịch vụ đóng và sửa chữa tàu, thuyền, chế biến, tiêu thụ hải sản... nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần cho tàu đánh bắt xa bờ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển được tập trung đầu tư hiện đại với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, cảng cá, khu trú bão, chợ đầu mối thủy sản, tạo nên sức bật mới cho các đô thị ven biển Sóc Trăng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ ngư dân thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, thành lập tổ hợp tác trên biển để ngư dân ra khơi an toàn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển kinh tế biển của Sóc Trăng là thiếu cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống chế biến đông lạnh, nên chưa tạo được những sản phẩm có giá trị cao. Lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chưa gắn kết tốt với công tác tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh đòi hỏi lượng tôm giống lớn, nhưng tỉnh chưa sản xuất được con giống tại chỗ. Công tác kiểm dịch, kiểm tra đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra do lực lượng mỏng, phương tiện thiếu, địa bàn rộng. Nông dân thiếu vốn, và thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ dẫn đến sản xuất đạt hiệu quả thấp. Ông Nguyễn Văn Trung, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) khi nghe tin về chủ trương của tỉnh sẽ hỗ trợ cho ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu thuyền để đánh bắt xa bờ hết sức phấn khởi, ông cho biết: "Ngư dân chúng tôi biết rằng phải đánh bắt xa bờ mới cho hiệu quả cao. Nhưng đầu tư cho đánh bắt xa bờ cần vốn rất lớn nhưng khả năng tài chính của bà con có hạn nên nghe tin tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn cho đánh bắt xa bờ, bà con chúng tôi vui lắm. Chắc chắn rằng hiệu quả khai thác thủy hải sản từ biển sẽ cao hơn, hiệu quả hơn, để ngư dân mạnh dạn vươn ra xa bờ...". Bí thư Tỉnh ủy Võ Minh Chiến, nhận định: Nếu thực hiện được nghị quyết của Tỉnh ủy, ngư dân vừa phát triển kinh tế, phát huy vai trò của ngư dân trong đánh bắt thủy sản vừa phát huy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2014, Sóc Trăng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khu vực vùng biển, ven biển đạt 20%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2015 đạt 2.454 USD, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, nhất là đồng bào Khmer. Tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp cơ khí đóng và sửa chữa tàu, thuyền, công nghiệp hàng tiêu dùng... Xây dựng vành đai kinh tế ven biển Trần Ðề  - Vĩnh Hải - Vĩnh Châu - Lai Hòa; quy hoạch xây dựng vành đai thành khu vực động lực phát triển kinh tế biển và ven biển của tỉnh với các khu chức năng như: Khu công nghiệp, cảng; khu du lịch - đô thị; khu dân cư nông thôn; khu nuôi trồng thủy sản; khu sinh thái rừng ngập mặn.

Xuân Lương - Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết