Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều điều ước quốc tế như Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA,…để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ ngành rất chú trọng đến sự phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ, nhiều chính sách đã đi vào thực tiễn đời sống như: Chiến lược sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình thương hiệu quốc gia, Chương trình OCOP, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và nhiều chương trình, đề án quan trọng khác. Ngày 16-6-2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023, nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam. Theo kết quả công bố, Cần Thơ đứng vị trí thứ 5 trong Top 10 địa phương có điểm số cao nhất cả nước và cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra đổi mới sáng tạo đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Đây là một minh chứng cho thấy TP Cần Thơ nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ và dựa vào kết quả này để làm căn cứ khoa học trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho những chủ thể sáng tạo, TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, điển hình như: hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế và giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ngoài nước 60 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới (Thực hiện theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ).
Tính đến tháng 8-2024, TP Cần Thơ có 7.845 đơn và 5.476 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp mỗi năm tăng từ 10-15%, điều đó cho thấy ngày càng có nhiều sản phẩm được tạo ra và các tổ chức, cá nhân quan tâm nhiều hơn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Với nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã dành nguồn lực cho hoạt động phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của địa phương. Thường xuyên tổ chức đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao thông qua các buổi tập huấn; tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ và tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;….
Từ nay đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2030 sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhằm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ ở tất cả các hoạt động, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là một nhiệm vụ pháp lý mà còn là một chiến lược kinh doanh quan trọng, gắn kết với hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Bằng cách bảo vệ các ý tưởng và khuyến khích sự sáng tạo để tạo ra một môi trường thuận lợi giúp các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, từ đó tạo ra giá trị mới cho xã hội và nền kinh tế.
ANH KHOA