03/02/2024 - 10:20

Số hóa sản phẩm OCOP 

Thời gian qua, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng, TP Cần Thơ tăng cường chuyển đổi số trong khâu sản xuất, quản trị và xây dựng kênh phân phối mới cho các sản phẩm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, sản phẩm OCOP của thành phố không những mở rộng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, mà còn khẳng định chất lượng, gây dựng niềm tin cho khách hàng thông qua truy xuất “ngược dòng” nguồn gốc sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bày bán tại Cửa hàng Ðặc sản ÐBSCL, quận Ninh Kiều.

Chung tay

Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 148 sản phẩm được công nhận OCOP, thuộc 72 chủ thể là hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã. Trong đó, có 73 sản phẩm 3 sao, 75 sản phẩm 4 sao (2 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Sản phẩm OCOP của Cần Thơ được đánh giá đa dạng về chủng loại như nông sản tươi, nông sản chế biến, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm phục vụ du lịch… Ðể chuẩn hóa quy trình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, các sở ngành thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể số hóa sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Sở thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”. Dự án xây dựng mô hình cấu trúc cơ sở dữ liệu dùng trong việc thu nhận, quản lý và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa hoàn toàn tự động, đa dạng phù hợp với đặc điểm chủng loại sản phẩm khác nhau. Xây dựng cổng thông tin https://check.cantho.gov.vn/ và phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh sử dụng công nghệ CheckVN, tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn GS1, có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý truy xuất. Thông qua dự án đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm OCOP của thành phố như giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung), trà mãng cầu Kim Nhiên (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên), trà đông trùng hạ thảo (Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa), Hapi chả viên thát lát - tôm (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa), yến sào Tịnh Hoằng (Công ty TNHH Yến sào Tịnh Hoằng), khô cá tra 1 nắng (Hộ kinh doanh Út Anh)…

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, ngành Nông nghiệp đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR-Code) cho 222 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản với 480 sản phẩm, trong đó có 61 sản phẩm OCOP. Ðồng thời, phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử chonongsancantho.vn. Hiện nay, đã có 102 đơn vị, 163 sản phẩm đăng ký, với 84.015 lượt truy cập. Trong đó, có 29 công ty sản xuất chế biến, 55 hợp tác xã, 12 cơ sở, 1 trung tâm, 1 tổ hợp tác, 4 hộ kinh doanh; có 4 sản phẩm OCOP 4 sao, 6 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ðồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chủ thể OCOP của thành phố còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với các nền tảng số. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, nhân viên bán hàng Cửa hàng Ðặc sản ÐBSCL, cho biết: “Cửa hàng chúng tôi bày bán khoảng 200 sản phẩm OCOP. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, sản phẩm của cửa hàng còn bán trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee và nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook. Bán hàng trên các nền tảng trực tuyến khâu quảng bá sản phẩm khác rất nhiều so với truyền thống. Chẳng hạn như viết nội dung sao cho hấp dẫn, chụp hình ảnh, tạo tương tác… Vì vậy, chúng tôi mong muốn có thể được tiếp cận các khóa đào tạo, tập huấn về các chủ đề liên quan đến kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử lớn. Mặt khác, người làm ra sản phẩm, chủ thể OCOP cũng nên đồng hành cùng nhà phân phối trong khâu quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng hiểu được bản chất, giá trị của các dòng sản phẩm OCOP”.

Về phía các sở ngành hữu quan tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa các chính sách về số hóa sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vào thực tiễn. Ðơn cử, kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND thành phố về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ; kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khoa học công nghệ về “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025”… Khi các chương trình, kế hoạch này được thực hiện hiệu quả quá trình số hóa sản xuất, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP sẽ minh bạch, có độ tin cậy cao hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm.

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới TP Cần Thơ, bên cạnh trợ lực từ nhà nước, các chủ thể OCOP cần năng động ứng dụng thương mại điện tử tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh hàng trực tuyến… Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP. Ðồng thời, thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”; hỗ trợ xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sản địa phương để tạo ấn tượng, sức hút khi quảng bá trên các kênh bán hàng trực tuyến...

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết