15/08/2016 - 20:29

Sơ cấp cứu ban đầu cho du khách

TP Cần Thơ là điểm đến du lịch nổi tiếng sông nước miệt vườn miền Tây, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Để tạo sự hài lòng cho du khách, các đơn vị kinh doanh ngành du lịch chủ động quan tâm sự an toàn của du khách, nhất là đối với tình huống tai nạn bất ngờ, khẩn cấp, cần sự hỗ trợ kịp thời. Mới đây, Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tập huấn cho các cán bộ, nhân viên nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho du khách.

* Say nắng

Triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40,5 độ C. Ngoài ra, người bị say nắng còn có các dấu hiệu như: ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên, đau nhói đầu, chóng mặt và choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút.; buồn nôn và nôn; nhịp tim/mạch nhanh, tim/mạch có thể đập mạnh hoặc yếu; thở nhanh và thở nông; thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng hoặc có trạng thái sửng sốt, co giật, hôn mê.

Học viên thực hành sơ cấp cứu.

Nếu nghi ngờ ai đó bị say nắng, bạn lập tức gọi số điện thoại cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân tới BV. Trong khi chờ sự hỗ trợ của y tế, nên đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa hoặc chỗ râm mát, cởi bỏ các quần áo không cần thiết cho người bệnh. Đo nhiệt độ cơ thể bệnh nhân, sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3 - 38,8 độ C. Các phương pháp làm mát như: quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; đặt túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân, do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể giảm nhiệt độ cơ thể. Cho bệnh nhân tắm dưới vòi hoa sen; bồn tắm nước mát hoặc nước đá. Tuy nhiên nên nhớ rằng, một người hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao các tuần sau đó. Vì vậy tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến say nắng: người lớn tuổi, người không uống đủ nước, uống nhiều rượu bia; độ ẩm không khí tăng trên 60% làm cản trở tăng tiết mồ hôi; thời tiết thường xuyên nắng nóng. Người mắc các bệnh lý mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Người sử dụng nhiều thuốc an thần, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng Histamine…

Cách phòng, chống say nắng: Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30; uống nhiều nước để tránh mất nước, ít nhất khoảng 8 cốc gồm: nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau... Các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt có thể là hậu quả của mất muối, do vậy, khuyến khích bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải trong các đợt nắng nóng; thu xếp hoặc hủy bỏ hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian hoạt động ngoài trời của bạn sang khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, vào buổi sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn. Nếu nhà bạn không có quạt hoặc điều hòa, khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, nên tới nơi có điều hòa không khí (như siêu thị, bưu điện, ngân hàng, thậm chí nhà hàng xóm...) hoặc những nơi râm mát. Tại nhà, cần đóng cửa rèm, che chắn cửa, hoặc hạ màn... khi nắng nóng và mở cửa sổ vào ban đêm để thông gió.

* Chảy máu mũi

Niêm mạc mũi có đặc điểm với nhiều mao mạch nông, dễ tổn thương, khi có chấn thương niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu mũi và thường gặp ở trẻ em. Sơ cứu ban đầu cho người bị chảy máu mũi là để người bệnh ngồi thẳng lưng, đầu cúi về phía trước, bóp chặt mũi 5 -10 phút. Người bệnh nhổ máu ra khỏi miệng; không nên đi lại nhiều trong vài giờ đầu sau khi cầm máu. Sau sơ cứu 10 phút, máu mũi người bệnh vẫn chảy hoặc có thêm các triệu chứng như: tăng huyết áp, đau đầu, nôn mửa, ngừng một thời gian máu mũi chảy nữa nên đưa vào BV. Để tránh chảy máu mũi, không để mũi bị khô, đeo khẩu trang, tránh bụi bẩn bay vào mũi; xông mũi bằng nước ấm.

* Bỏng

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bị bỏng như: nước canh nóng, nước đun sôi… đổ vào người; quá trình đun nấu vô ý chạm vào lửa; trẻ nhỏ nghịch lửa; gặp đám cháy lớn... Khi bị bỏng, nhanh chóng ngâm vùng bị bỏng vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước chảy nhẹ nhàng khoảng 15 - 20 phút. Việc làm này giúp vết bỏng dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu và làm sạch vùng bị bỏng, tránh các viêm nhiễm. Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn. Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích vết bỏng nhỏ, sau thời gian chăm sóc tại nhà, da vùng bỏng có thể tự liền lại. Nhưng nếu diện tích vết bỏng rộng, nặng hơn, sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Những điều không nên làm khi bị bỏng: Không bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như: muối, mỡ trăn, kem đánh răng…; không dùng đá để làm mát vết bỏng; tránh để áo quần dính chặt vào, khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm. Nên nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

Ngoài một số bệnh lý trên, các bác sĩ chuyên khoa BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long còn cung cấp cho các học viên nhiều kỹ năng cần thiết xử trí các tình huống tai nạn khác như: rắn cắn, chấn thương phần mềm, ngạt nước… Qua đó giúp đội ngũ nhân viên hoạt động trong ngành du lịch thành phố có những kiến thức hữu ích, có thể phản ứng nhanh giúp đỡ du khách khi không may xảy ra tai nạn trong hành trình tham quan TP Cần Thơ.

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết