15/03/2019 - 19:56

Sinh viên toàn cầu bãi khóa vì biến đổi khí hậu 

Ngày 15-3, sinh viên tại thủ đô và các thành phố ở Úc, New Zealand, châu Âu và Mỹ đã đồng loạt bãi khóa, xuống đường biểu tình để phản đối hành động chậm chạp của chính phủ các nước trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Sinh viên biểu tình ở Úc hôm 15-3.  Ảnh: Reuters

Theo tổ chức Fridays For Future (tạm dịch: Ngày thứ sáu vì tương lai), hơn 1.300 sự kiện đã được lên kế hoạch diễn ra đồng loạt ở 98 quốc gia trên thế giới. Phong trào đình công của sinh viên trên toàn cầu thật ra bắt nguồn từ nỗ lực hồi tháng 8-2018 của Greta Thunberg- nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển. Khi đó, Thunberg đã đều đặn cắm trại bên ngoài trụ sở quốc hội nước này cùng biểu ngữ “Bãi khóa vì khí hậu” vào những ngày trong tuần. Hôm 14-3, cô bé bị hội chứng Asperger này- một dạng tự kỷ- đã được 3 nhà lập pháp Na Uy để cử cho giải Nobel Hòa bình 2019.

Cháy rừng, hạn hán, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan là những bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra trên Trái đất. Trong khi đó, chính phủ các nước bị cho là vẫn chưa nỗ lực hết sức trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính để qua đó hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, hoặc đề ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ trung bình trên hành tinh đã tăng khoảng 10C kể từ thời tiền công nghiệp. Nếu lượng khí thải vẫn duy trì ở mức như hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 1,50C trong giai đoạn 2030-2052, theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC). Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, những tác động do biến đổi khí hậu sẽ còn đáng sợ hơn nữa.

Càng chần chừ trong việc cắt giảm khí thải nhà kính thì sẽ càng khó khăn về sau. Ví dụ, các công ty năng lượng và sản xuất xe hơi của Mỹ chờ đợi càng lâu, thì chi phí để hành động chống biển đối khí hậu sẽ càng cao. Do vậy, nhiều bạn trẻ còn ngồi ghế nhà trường lập luận rằng giờ là lúc phải hành động. “Chủ nghĩa phủ nhận khí hậu không khác gì tự sát. Không hành động chống biến đổi khí hậu cũng giống như tự nhốt mình trong căn nhà đang cháy”- nữ sinh người Uganda Vanessa Nakate chỉ trích những người cho rằng biến đổi khí hậu sẽ không xảy ra.

Hiện chỉ có 100 tập đoàn trên toàn cầu chịu trách nhiệm cho 70% lượng khí thải nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu. Các sinh viên tin rằng các công ty lớn sẽ không tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính, nên chính phủ cần thay đổi chính sách để buộc họ hành động. Một nghiên cứu trong tháng này cho thấy các chính sách khuyến khích sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo đã giúp giảm lượng khí thải nhà kính tại 18 nước công nghiệp, trong đó có Thụy Điển, Mỹ, Anh và Đức. Trong khi đó, các chính sách bảo tồn và quản lý hiệu quả năng lượng cũng góp phần kéo giảm khí thải ở những nước nói trên và các quốc gia khác.

Dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những sự cắt giảm như thế “còn lâu” mới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015. Trong văn kiện này, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều cam kết kiềm chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng để đạt được mục tiêu quan trọng này đòi hỏi phải cắt giảm xấp xỉ 25% khí thải trong 10 năm tới, theo báo cáo hồi cuối tháng rồi của Đại học East Anglia, Anh.

THANH BÌNH (Theo Science News, Reuters)

Chia sẻ bài viết