26/11/2022 - 19:30

Sinh viên ĐBSCL đam mê nghiên cứu khoa học 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Lần đầu tiên hội nghị nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV) khu vực ÐBSCL được Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Cần Thơ phối hợp các trường đại học trên địa bàn thành phố đăng cai tổ chức. Hội nghị gồm chuỗi hội thảo khoa học thuộc 6 lĩnh vực: kinh tế, tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, y học - sức khỏe, xã hội - nhân văn và giáo dục, nông nghiệp - thủy sản, diễn ra từ ngày 19-11 đến 24-12. Trong 2 tháng thông báo nhận bài (cuối tháng 8-2022 đến ngày 25-10-2022), Ban Tổ chức đã nhận được hơn 300 bài viết khoa học, cho thấy sự quan tâm và niềm đam mê của nhiều bạn trẻ với NCKH.

Nguyễn Văn Hoàng Thanh, SV Trường Đại học Cần Thơ, báo cáo đề tài nghiên cứu trước Hội đồng phản biện lĩnh vực kinh tế.

Hội thảo khoa học chuyên đề kinh tế, có 6 SV được chọn báo cáo đề tài trước Hội đồng phản biện. Theo đánh giá của hội đồng, các đề tài có tính mới, phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, khách quan, đặc biệt SV đã áp dụng thành thạo kiến thức được học, vận dụng vào quá trình nghiên cứu; đồng thời, giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Ðiển hình như đề tài “Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua lặp lại rau, quả của người tiêu dùng tại kênh siêu thị trên địa bàn TP Trà Vinh” của Lê Minh Thuận, SV ngành Quản trị kinh doanh (Trường Ðại học Trà Vinh). Thuận chia sẻ, nhiều người dân có thói quen mua rau, quả ở các chợ truyền thống, trong khi mức tiêu thụ mặt hàng này qua kênh siêu thị còn hạn chế. Ðề tài sử dụng phương pháp khảo sát, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua (và mua lại lần tiếp theo) của người tiêu dùng để khuyến nghị các giải pháp giúp siêu thị đẩy mạnh doanh số tiêu thụ rau, quả. Thuận chia sẻ: “Quá trình nghiên cứu giúp em kỹ năng làm việc độc lập, biết cách xử lý và chắt lọc thông tin; nắm vững phương pháp viết bài báo khoa học. Ðề tài nghiên cứu là cơ hội để em nắm chắc kiến thức đã học, tiếp cận kiến thức mới, phát triển tư duy sáng tạo”.

Ðề tài “Ứng dụng nền tảng Google Earth Engine (GEE) phân tích biến động đô thị hóa - trường hợp nghiên cứu tại 3 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng (TP Cần Thơ) của nhóm SV khoa Tài nguyên và Môi trường (Trường Ðại học Cần Thơ), cho thấy tính khả thi khi sử dụng GEE để theo dõi biến động đất công trình xây dựng. Nguyễn Văn Hoàng Thanh, SV ngành Quản lý đất đai, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “GEE là công cụ viễn thám, rất hữu ích trong việc tạo lập bản đồ các thành phố và nghiên cứu cảnh quan đô thị. GEE được xử lý dựa trên nền tảng đám mây gồm các ứng dụng có thể chạy và lưu trữ dữ liệu được tạo ra trực tuyến trên Internet, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác rộng rãi”. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này nhằm phân tích, xử lý, phân loại các thông tin về công trình xây dựng ở 3 quận thuộc TP Cần Thơ từ ảnh viễn thám trên GEE, làm cơ sở dữ liệu tạo lập bản đồ số và phục vụ quá trình quy hoạch, xây dựng cảnh quan đô thị.

Bên cạnh 2 đề tài trên, nhiều đề tài còn tập trung nghiên cứu các vấn đề thiết thân của cuộc sống, như: khởi nghiệp sáng tạo, các nhân tố ảnh hưởng đến thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ nông sản… Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tri Khiêm, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng phản biện lĩnh vực Kinh tế, hội nghị NCKH trong SV là sân chơi học thuật rất ý nghĩa, thúc đẩy phong trào NCKH trong SV ngày càng khởi sắc. Ðây còn là cơ hội để SV phát triển và trau dồi kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tập cho SV phong thái tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học.

Chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ cho biết, đây là hội nghị NCKH cấp vùng đầu tiên trong SV, thu hút hơn 300 bài viết khoa học của các tác giả, nhóm tác giả đến từ 15 trường đại học, cao đẳng khu vực ÐBSCL tham gia. Từ ngày 27-11 đến 24-12-2022, hội nghị tiếp tục với các hội thảo chuyên đề “Xã hội - Nhân văn và Giáo dục” (tại Trường Ðại học Tây Ðô), “Y học - Sức khỏe” (tại Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ), “Kỹ thuật công nghệ” (Trường Ðại học Nam Cần Thơ) và chuyên đề “Tự nhiên”, “Nông nghiệp - Thủy sản” (tại Trường Ðại học Cần Thơ). Các hội đồng khoa học sẽ đánh giá, xét trao thưởng cho đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, độc đáo, nội dung và phương pháp nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, khoa học. Sân chơi học thuật này là cơ hội để SV nâng cao kiến thức chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực và là hành trang quý báu cho SV trong học tập nâng cao trình độ, phát triển nghề nghiệp tương lai.

Chia sẻ bài viết