14/01/2018 - 18:27

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2017 tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện với tất cả 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Bước sang năm 2018, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Đảm bảo thu chi NSNN

Trong năm 2017, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính-NSNN mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, điều hành chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả, bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quy định.

Hoạt động nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Hoạt động nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Tính đến hết ngày 31-12-2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 ngàn tỉ đồng, vượt 5,9% so với dự toán. Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cho biết: Năm 2017, ngành hải quan thu vượt 12.082 tỉ đồng so với chỉ tiêu pháp lệnh là 285.000 tỉ đồng. Kết quả này là nhờ quán triệt thực hiện Nghị quyết của Chính phủ cũng như kế hoạch triển khai của Bộ Tài chính ngay từ đầu năm. Trong đó, ngành Hải quan tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ song hành quan trọng là vừa tạo thuận lợi cho thương mại vừa chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cụ thể là tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử và đến nay đã đạt 99,7% số lượt khai quan điện tử và nộp thuế điện tử 24/7 trên tất cả các phương tiện và thông quan hàng hóa 65% số lượt tờ khai luồng xanh thông quan trong vòng 1-3 giây. Ngành hải quan triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại khu vực cảng biển và cảng hàng không giúp rút ngắn được thời gian thông quan, giảm thời gian nhận hàng của doanh nghiệp. Qua đó, không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2017, ngành Tài chính bước đầu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Hệ thống thị trường tài chính, chứng khoán được phát triển theo hướng hiện đại, hoàn thiện về cấu trúc, phục vụ tốt hơn cho mục tiêu huy động vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Công tác quản lý điều hành giá tác động tích cực hơn trong việc thực hiện kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Năm 2018, dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 ngàn tỉ đồng. Trong đó: dự toán thu nội địa 1.099,3 ngàn tỉ đồng, dự toán thu dầu thô 35,9 ngàn tỉ đồng, dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 179 ngàn tỉ đồng. Bộ Tài chính xác định ưu tiên phân bổ NSNN cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN, song song với huy động tối đa các nguồn lực tài chính khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cho biết: Thời gian tới ngành hải quan sẽ chủ động kiến nghị những chính sách còn chưa hợp lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan, góp phần thúc đẩy thương mại phát triển, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư. Phấn đấu 2018, toàn ngành sẽ thu vượt từ 3-5% so với chỉ tiêu pháp lệnh của Bộ Tài chính và Chính phủ giao.

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành Tài chính phải rà soát các điểm nghẽn, các bất cập trong bài toán cân đối NSNN. Cần quan tâm công tác quản lý tài sản công, tránh tình trạng các nhóm lợi ích hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công quốc gia, gây thất thoát lãng phí lớn cho đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải dùng chi phí bôi trơn khi cán bộ ngành Tài chính thanh tra, kiểm tra. Một bộ phận cán bộ ngành Tài chính còn thờ ơ, nhũng nhiễu, không quan tâm đến tình trạng sống còn của doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, ngành Tài chính đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì”; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết: Bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020), dự báo tình hình sẽ còn khó khăn, thách thức. Do đó, trên tinh thần chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, Bộ Tài chính đã đề ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2018. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp điều hành phù hợp để đạt được kết quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu tài chính-ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết