17/12/2007 - 11:23

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bỏ thi tuyển và phân cấp mạnh cho các trường đại học trong đào tạo tiến sĩ

Tại hội thảo nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ kinh tế tổ chức ngày 14 – 15/12 ở Hà Nội, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Mức đầu tư tối thiểu cho 1 nghiên cứu sinh (NCS) được đề xuất trong Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ là 110 triệu đồng. Đối với NCS đào tạo trong nước sẽ có từ 3 đến 6 tháng khảo sát, nghiên cứu ở nước ngoài...để nâng cao chất lượng. Quy chế đào tạo tiến sĩ mới cũng sẽ có thay đổi phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tới đây sẽ không còn thi tuyển. Bởi thực tế, 100% NCS tham gia thi hiện nay không có ai trượt mà chỉ có đỗ cao hay thấp... Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ phân cấp mạnh cho các trường đại học. Do vậy, trường nào có đội ngũ cán bộ quản lý tốt thì chất lượng đào tạo sẽ tốt. Một bất cập nữa cũng sẽ được điều chỉnh là việc đánh giá năng lực NCS sẽ chú trọng đến khả năng hoàn thành đề tài đến đâu và mức độ nào. Hiện nay, việc đánh giá chỉ chú trọng đến số bài báo công bố mà chưa đánh giá xem NCS có hoàn thành đề tài hay không.

Từ thực tế cho thấy, ngoại ngữ cũng là vấn đề nan giải cần có giải pháp khắc phục. Do vậy, để NCS có thể tham khảo được tài liệu trên mạng thì trình độ tiếng Anh TOEFL phải đạt 500 điểm. Tuy nhiên, với mức đó thì khó đạt nên quy chế hạ xuống 450 điểm và quá trình học sẽ được hỗ trợ nâng dần... Hiện nay, giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH mới đạt 14,7%; CĐ là 1,4%. Tỷ lệ này đến năm 2010 phải đạt chỉ tiêu đối với ĐH là 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ và CĐ là 5%.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết