26/03/2008 - 22:27

Scotland với tham vọng sản xuất điện thủy triều

Trong bối cảnh giá dầu mỏ leo thang và các nguồn nguyên liệu dùng sản xuất điện ngày càng cạn dần, ngoài các nguồn năng lượng tái sinh không gây ô nhiễm như gió, ánh nắng, sóng biển... năng lượng từ thủy triều đang là mục tiêu mà giới nghiên cứu và các công ty năng lượng nhắm tới. Ước tính, với công nghệ khai thác hiện nay, hằng năm, thế giới có thể sản xuất được 450 tỉ kwh điện từ thủy triều, tương đương tổng lượng điện của 40 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất hiện nay.

 Hệ thống tua-bin khai thác điện từ thủy triều ở ngoài khơi bờ biển Scotland. Ảnh: Fortune

Khác với năng lượng sóng biển được khai thác gần bề mặt nước biển, năng lượng thủy triều được tạo ra khi dòng nước dưới đáy biển thay đổi. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hai phương pháp này dễ dự báo hơn gió và ánh nắng. Hơn nữa, do nước nặng hơn gió nên một tua-bin sản xuất điện cỡ nhỏ từ nước biển có thể tạo ra lượng điện tương đương tua-bin gió cỡ lớn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.

Hiện Anh là quốc gia tiên phong trong ngành công nghiệp mới nổi này với 3 trung tâm thử nghiệm, 17 dự án nghiên cứu và phát triển đang được tiến hành tại 7 trường đại học. Nước này đặt mục tiêu khai thác 10% điện năng từ các nguồn năng lượng tái chế vào năm 2010 và cắt giảm 60% lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Do vậy, công nghệ khai thác năng lượng biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm những mục tiêu trên. Trong khi đó, Công ty Marine Current Turbines (MCT), với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Công nghiệp-Thương mại Anh và Ủy ban châu Âu, đang dẫn đầu trong công nghệ khai thác năng lượng biển và mong muốn phát triển hệ thống này vì mục đích thương mại.

Theo các chuyên gia MCT, trên thế giới có rất nhiều vùng biển có thể lắp đặt nhà máy phát điện, riêng châu Âu có tới 106 địa điểm, nhất là các eo biển có dòng nước chảy xiết như Pentland Firth của Scotland. Với lợi thế sở hữu vùng biển có tốc độ dòng chảy mạnh, Scotland đang muốn trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về năng lượng thủy triều. Hiện nay, Trung tâm Năng lượng Biển châu Âu (EMEC), cơ quan thử nghiệm năng lượng thủy triều và sóng biển duy nhất trên thế giới, đang đóng tại quần đảo Orkney (Scotland). Phòng thí nghiệm nổi trị giá 29,5 triệu USD này được kết nối với mạng lưới điện của nước này thông qua hệ thống cáp ngầm. Trong khi đó, công ty điện lực Scotland cũng có kế hoạch lắp đặt một hệ thống mà họ cho là “trang trại” năng lượng sóng biển lớn nhất thế giới, bao gồm 4 phao kim loại khổng lồ nổi bồng bềnh trên mặt nước với mỗi phao dài khoảng 140 m và có thể tạo ra 750 kw điện. Ngoài ra, hàng loạt công ty lớn, trong đó có General Electric (Mỹ), đang hy vọng có thể “hốt bạc” từ việc đầu tư vào vùng biển Scotland. Các chuyên gia ước tính đến năm 2020, Scotland có thể sản xuất 1.300 MW điện năng, đủ cung cấp điện cho thành phố lớn cỡ 500.000 dân.

Cùng với Anh và Scotland, nhiều quốc gia và công ty tư nhân trên thế giới cũng đang nghiên cứu hệ thống khai thác năng lượng thủy triều cho riêng mình. Đơn cử tại Tây Ban Nha, nhà máy năng lượng từ thủy triều ở tỉnh Cantabria dự kiến sẽ đi hoạt động vào mùa hè năm nay. Còn ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm các tua-bin phát điện đầu tiên từ thủy triều.

T.TRÚC
(Theo Fortune, CNN, Inverness Courier,
Trading Markets)

Chia sẻ bài viết