01/01/2019 - 16:15

Thương mại hóa ứng dụng khoa học công nghệ

Sát thực tiễn, để hài hòa lợi ích 

Trong những năm qua, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, tính thương mại hóa của các kết quả nghiên cứu khoa học còn chưa cao, khả năng nhân rộng còn nhiều hạn chế. Do đó, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào nâng cao chất lượng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất và thương mại hóa hiệu quả.

Cần tạo ra động lực

Thời gian qua, Nhà nước nhận thức thị trường công nghệ là một trong những thị trường chính cần phải khuyến khích. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng chính trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Một loạt các cơ chế, chính sách khuyến khích gắn kết các nhà khoa học với doanh nghiệp được ban hành. Doanh nghiệp đã nhận thức được khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Các nhà khoa học đã có tinh thần doanh nghiệp và hướng nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn nhiều hơn.

Giới thiệu mô hình máy bay không người lái phục vụ giám sát đồng ruộng trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ Quốc tế năm 2018 tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Giới thiệu mô hình máy bay không người lái phục vụ giám sát đồng ruộng trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ Quốc tế năm 2018 tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Trong giai đoạn 2016-2018, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã triển khai 631 đề tài, dự án trên các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, kĩ thuật và công nghệ, y dược… Phần lớn kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao đưa vào ứng dụng nhưng tính thương mại hóa chưa cao, khả năng nhân rộng của các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, việc ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa cái kết quả nghiên cứu từ các viện, trường, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 12-15% kết quả nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tế.

Các doanh nghiệp được xem là xương sống của nền kinh tế và đổi mới công nghệ thật sự trở thành yếu tố quyết định để duy trì sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, hiện nay, các doanh nghiệp thường rất lúng túng trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ thích hợp để đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa với quy trình sản xuất tương đối đơn giản; thiếu vốn và khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những sức ép đòi hỏi doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ một cách mạnh mẽ. Hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào đi mua máy móc từ nước ngoài và ít chú ý đến các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao trong nước.

Tăng gắn kết, chuyển giao

ĐBSCL là khu vực đặc trưng với các thế mạnh về chế biến nông thủy sản. Nếu ứng dụng được các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản sẽ giúp ĐBSCL ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), để vượt qua thách thức, rất cần các chuyên gia vừa am hiểu về khoa học công nghệ lẫn am hiểu về ĐBSCL đưa ra những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của vùng. Đặc biệt, ĐBSCL hiện có các viện trường, các cơ quan nghiên cứu nổi tiếng như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ... Do đó, VCCI mong muốn là cơ quan đại diện cho doanh nghiệp để chung tay kết nối đưa các nghiên cứu của các nhà khoa học đến với doanh nghiệp. Từ đó góp phần thương mại hóa các nghiên cứu, đưa nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn và tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.

Thời gian qua, để thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ tập trung phát triển dựa vào đặc điểm của vùng miền. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển chiến lược của các đơn vị, địa phương. Phó giáo sư Tiến sĩ  Lê Nguyễn Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Trong xu thế toàn cầu hóa về khoa học công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đến vùng ĐBSCL. Nếu nhiệm vụ của một trường Đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thì việc liên kết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng có ý nghĩa hơn và góp phần vào phát triển nền kinh tế đất nước.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ và Khởi nghiệp, cho rằng: Trong quá trình lựa chọn công nghệ, doanh nghiệp phải chủ động phân tích và lập kế hoạch đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, để gắn kết hiệu quả giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, cần xem mối quan hệ này là tất yếu, chuyển giao công nghệ thực sự mang lại hiệu quả cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Theo đó, bên cầu công nghệ phải xem nhu cầu đổi mới công nghệ là trọng yếu trong sự phát triển của đơn vị. Bên cung phải xem việc chuyển giao công nghệ là tất yếu và sẽ đem lại tài chính để phục vụ nghiên cứu tiếp theo. Muốn đi đến thành công, hai bên phải hiểu rằng chuyển giao công nghệ là chuyển giao chất xám, là thiết lập mối quan hệ hợp tác mật thiết, lâu dài, đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết