04/09/2012 - 22:15

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - LÀO (5/9/1962 -5/9/2012)

Sắt son tình nghĩa Việt - Lào

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Những dòng thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hữu nghị gắn bó máu thịt giữa hai nước Việt Nam - Lào được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người dân hai nước thuộc nằm lòng. Trải qua 50 năm, tình hữu nghị ấy tiếp tục được vun đắp thêm bền chặt. Đặc biệt, với những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, công tác tại Lào, những kỷ niệm sâu sắc về con người, đất nước Lào anh em luôn là những hồi ức đẹp, sống mãi với thời gian...

Những năm tháng hào hùng...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập của nhân dân Lào, và trong công cuộc kiến thiết đất nước, đã có không ít quân nhân, chuyên gia Việt Nam sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Sự nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân nước bạn bất chấp hy sinh, gian khổ, khó khăn của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia Việt Nam đã để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong lòng nhân dân nước bạn. Đó là điều mà chú Hoàng Ngọc Chấp, Chi hội Phó Chi hội Hữu nghị Việt - Lào quận Bình Thủy, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Bình Thủy và nhiều cựu chiến binh, chuyên gia từng có thời gian chiến đấu, công tác tại Lào đều tâm đắc và tự hào khi nhắc đến.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy
trao quà lưu niệm cho Ngài Southideth Phommalat, Tổng Lãnh sự
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP Hồ Chí Minh tại buổi họp mặt
kỷ niệm 50 năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.
Ảnh: ANH DŨNG

Vuốt nhẹ mái tóc điểm bạc, chú Ngọc Chấp bồi hồi nhớ lại:” Quê tôi ở thành phố Nam Định. Năm 19 tuổi, tôi nhập ngũ và có 2 lần được điều động sang Lào chiến đấu giúp bạn. Đợt sang Lào dài nhất là từ tháng 12-1969 cho đến tháng 5-1972, với vai trò tham mưu (trợ lý tác chiến) Tiểu đoàn 11 thuộc Binh trạm 11, Cục Vận tải, Tổng Cục Hậu cần (hiện nay trực thuộc Lữ đoàn Phòng không 226, QK9)...”. Trong ký ức của mình, chú Chấp vẫn nhớ như in từng trận đánh ác liệt diễn ra ngày 18- 2-1970, trên chân đỉnh Đam, kéo dài từ lúc 8 giờ 25 phút sáng cho đến tận 18 giờ 30 phút chiều. Lúc đó, địch tập trung binh lực đánh từ nhiều hướng và ném bom liên hồi. Cứ mỗi đợt, chúng lại huy động từ 8 - 12 chiếc máy bay phản lực. Giặc còn thả bom hơi ngạt khiến cho nhiều chiến sĩ ta mất sức chiến đấu. Khoảng 3 giờ chiều, khi tất cả các khẩu đội đã hết đạn thì đồng đội của chú phát hiện ra 1 chiếc xe tải chở đạn bị lật xuống hố bom. Lúc đó, chú huy động tất cả những ai còn khỏe, từ y tá, anh nuôi... xuống hố bom vác đạn đưa về các khẩu đội. Cầm cự với địch đến 6 giờ chiều thì đạn pháo cũng hết, đơn vị của chú phải chiến đấu bằng súng bộ binh... cho đến khi trận đánh kết thúc. Trong trận đánh đó, đơn vị của chú đã bắn rơi 4 chiếc máy bay phản lực của địch, đơn vị của chú được khen ngợi là “quả đấm thép trên đường 7”.

Chú Nguyễn Bá Hồng (ở quận Bình Thủy) là y sĩ từng tham gia phục vụ chiến đấu tại Lào trong giai đoạn 1959 - 1961 và 1962 - 1967, nay ở tuổi 76 nhưng còn rất minh mẫn. Chú nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in trước khi đơn vị chúng tôi sang Lào làm nhiệm vụ vào năm 1959, tôi may mắn được gặp Bác Hồ ở số nhà 63, đường Lý Nam Đế (Hà Nội). Người đã dặn dò và động viên chúng tôi rất nhiều về nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng và cao cả. “Giúp bạn là tự giúp mình” - Lời dạy của Bác, chúng tôi luôn khắc ghi và đã sống và chiến đấu hết mình vì điều đó”. Trong câu chuyện của chú, đằng sau những chiến thắng vẻ vang là biết bao hy sinh, gian khổ mà nhiều đồng chí, đồng đội và bản thân chú đã trải qua, có những khi phải sống trong một vùng phủ trắng chất độc mà kẻ thù rải xuống để hủy diệt sự sống. Sau này, chú và nhiều đồng đội mới biết đó là chất độc da cam. Vào tháng 5-1967, địch bất ngờ đánh bom ngay bệnh xá (đóng ở dốc 19, Nam Lào thuộc tỉnh Savanakhet), trong lúc chú đang cõng thương binh xuống hầm làm chú gãy chân, phải chuyển về Hà Nội để điều trị và bị cưa mất một chân...Vừa mang thương tật trên người, bị chất độc da cam hành hạ, gần đây lại được chẩn đoán chuyển sang ung thư, nhưng chú Hồng luôn lạc quan, yêu đời và luôn nhắc đến những người bạn Lào chân chất, giàu tình nghĩa trong những năm chiến tranh ác liệt.

Chú Nguyễn Sỹ Nhiếp (hiện cư ngụ tại quận Ninh Kiều) có 2 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào (1967- 1969), với nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Phẫu thuật Đoàn 800, nâng niu những huy chương mà Nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng, kể: “Ngày đó, bộ đội mình ăn uống kham khổ, bí mật đóng quân trong những hang núi. Địch thường ném bom bất thình lình không biết sống chết lúc nào, nhưng tất cả anh em đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn...”.

Thắm tình anh em

Trong hồi ức của các cựu chiến binh, có nhiều câu chuyện cảm động về tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước. Chú Hoàng Ngọc Chấp quả quyết: “ Trong chiến tranh, đối mặt với hy sinh, gian khổ, càng thấy rõ tình cảm cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nước bạn dành cho bộ đội Cụ Hồ. Họ sẵn sàng hy sinh nhà cửa, bản làng để mở đường giao thông, nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi trong chiến đấu...”.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cũng từng tham gia chiến đấu tại Lào, kể rằng: “Có những trận địch dội bom ngày đêm, bộ đội Việt Nam cùng bộ đội Lào sống chung trong hầm. Anh em hết sức thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, “hột muối bẻ đôi, cọng rau xẻ nửa”. Còn tình cảm của nhân dân Lào đối với bộ đội Việt Nam không khác nào như người thân. Thời chiến, chúng tôi chủ yếu đóng quân trong rừng, ít gặp người dân nước bạn. Những khi hành quân qua các bản làng, dù cuộc sống bà con nhiều khó khăn nhưng nhiều người thường mang đồ ăn, thức uống đến tặng bộ đội Việt Nam...”.

Cán bộ, nông dân huyện Champasak tham quan cánh đồng
trồng giống lúa Việt Nam. (Ảnh do Thạc sĩ Nguyễn Bá Phú cung cấp).

Chú Phạm Văn Đang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sóc Trăng, từng là Tiểu đội trưởng lái xe Đại đội 15, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 512 trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn sang làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào giai đoạn từ tháng 5-1971 đến tháng 12-1974, cũng chia sẻ: “đơn vị lái xe của tôi có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang,.. Phạm vi hoạt động chủ yếu là ở các binh trạm 30, 31, 32, 45, 46 thuộc các tỉnh Salavan, Savanakhet, Attapu của Lào. Trên đường có rất nhiều đoạn địch đánh phá rất ác liệt. Tôi không thể nào quên sự kiện vào ngày 6-12-1972, đoàn xe chúng tôi bị địch đánh phá ở ngã ba Lằng Khằng. Lúc đó, có đến 4 lái xe bị thương, 2 lái xe hy sinh và 3 xe bị cháy, đường sá bị tắc nghẽn. Lúc đó, có nhiều người dân Lào chạy ra giúp đỡ, phụ dập lửa, cứu chữa thương binh, dọn đường cho xe qua...”. Theo chú Đang, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Lào đều đặc biệt dành tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú Đang nhớ lại: “ Tình cảm của nhân dân Lào dành cho Bác Hồ không khác nhân dân Việt Nam, ai cũng mong muốn được gặp mặt Bác. Nhân dịp ngày sinh của Bác vào ngày 19-5-1973, tờ báo Nhân Dân có đăng ảnh Bác Hồ trên trang nhất. Đơn vị của tôi may mắn có 2 tờ báo và chúng tôi đã dành tặng cho nhân dân Lào. Lúc đó, già làng đã tập trung dân bản, trịnh trọng nhận 2 tờ báo, treo nơi trang trọng nhất trong bản của mình và hết lời cảm ơn anh em chiến sĩ chúng tôi... khiến chúng tôi rất xúc động”.

Một số cán bộ từng sang công tác tại Lào cũng đều nhớ như in những kỷ niệm sâu sắc về một đất nước thân thiện và những con người hiền lành, mến khách. Chú Phạm Phú Thứ (ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) là cán bộ có hơn 12 năm công tác tại Lào, kể: “Vào năm 1962, Bộ Nông nghiệp cử tôi sang tỉnh Sầm Nưa (Bắc Lào) làm công tác dạy học. Trong điều kiện chiến tranh đầy gian nan, ác liệt, thầy và trò chúng tôi cùng che chở, nhường chỗ cho nhau ẩn nấp trong hầm tránh bom, chia nhau từng miếng ăn, ngụm nước... như những người thân ruột thịt. Học sinh của tôi đủ mọi lứa tuổi nhưng họ có chung tinh thần hiếu học và đặc biệt họ rất tin tưởng con người Việt Nam...”.

Tình hữu nghị đời đời bền vững

Trong lòng nhân dân hai nước Việt - Lào, mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa Bác Hồ và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông và các vị lãnh đạo tiền bối của hai dân tộc, hai đất nước luôn được các thế hệ đời sau trân trọng, gìn giữ và vun đắp. Từ sau năm 1975, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào tiếp tục bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ liên minh giai cấp sang sự hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia có chủ quyền. Để khẳng định tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, ngày 18-7-1977, hai nước chính thức ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Từ đó đến nay, hai nước đã có sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam có 206 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 3,3 tỉ USD. Lào đứng nhất trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng đứng thứ 3/52 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Lào. Hợp tác về nông nghiệp và thủy lợi cũng được tăng cường, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền nông nghiệp Lào. Trong đó, có dự án Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn do Trường Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện tại huyện Champasak mang lại hiệu quả cao, khá toàn diện. Tại TP Cần Thơ, nhiều năm qua, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần vun đắp, tăng cường tình hữu nghị anh em Việt - Lào. Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ đã tích cực xây dựng và duy trì hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Lào TP Cần Thơ. Đến nay, Hội Hữu nghị Việt - Lào TP Cần Thơ đã phát triển, xây dựng được 3 Chi hội gồm: Chi hội Hữu nghị Việt - Lào quận Bình Thủy, Chi hội Hữu nghị Việt - Lào Trường Đại học Cần Thơ, Chi hội Hữu nghị Việt - Lào quận Ninh Kiều.

Có thể thấy, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá của nhân dân hai nước cần được các thế hệ tiếp tục trân trọng, gìn giữ và phát huy... góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết