03/11/2014 - 20:39

Sáng tạo để thành công

Để phát triển kinh tế gia đình trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp do quá trình đô thị hóa, nhiều nông dân quận Bình Thủy mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác của địa phương. Chính nhờ sự năng động này, các nông hộ từng bước nâng cao giá trị nông sản và làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.

Những năm gần đây, dưa hấu chưng Tết thường chỉ dao động từ vài trăm ngàn đồng/cặp, thì những cặp dưa hấu tạo thành hình vuông, xe hơi, thỏi vàng có giá cao hơn gấp 9-10 lần. Dù giá cao nhưng các loại dưa tạo hình này được rất nhiều người ưa chuộng, đặt hàng với mong muốn sở hữu cặp dưa “độc” chưng trang trọng trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, cầu mong năm mới nhiều may mắn, làm ăn phát tài. “Cha đẻ” của sản phẩm độc đáo trên có thể kể đến ông Trần Thanh Liêm, ngụ khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Năm 2008, ông Liêm bắt tay vào việc tạo khuôn cho dưa hấu thỏi vàng. Song, trong số 100 cặp cho vào khuôn chỉ có khoảng 5 cặp tạo hình thành công. Không nản lòng, những năm tiếp theo ông Liêm tiếp tục cải tiến chiếc khuôn cho phù hợp với trọng lượng của trái dưa và gặt hái thành công ngoài mong đợi. Dưa thỏi vàng được chọn tạo hình từ giống dưa Kim Hòa, vỏ vàng, ruột đỏ, vị ngọt thanh, trên quả khắc nổi các chữ “Tết”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” gửi gắm đến sự may mắn cho gia chủ trong năm mới được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Theo ông Liêm: “Để có những quả dưa thỏi vàng ưng ý, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc cực kỳ quan trọng. Đối với phân và nước, nếu dư thì dưa sẽ làm gẫy vỡ khuôn, nếu thiếu thì không thành hình. Riêng ánh nắng phải chiếu đều và vừa đủ, dư nắng sẽ làm gây nám vỏ, thiếu thì dưa bị xanh, không có màu vàng nguyên khối”. Thành công với dưa hấu thỏi vàng, ông tiếp tục sáng tạo ra những quả dưa hình xe Mercedes với quan niệm mang xe chở tài lộc về nhà trong những ngày đầu năm mới…

 Bí thư Thành ủy Trần Thanh Mẫn (trái) đến thăm mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái ở phường Long Tuyền.

Trước đây, nông dân thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân và tập quán canh tác của địa phương để sản xuất nông nghiệp. Nay, bên cạnh những kinh nghiệm truyền thống đó, các khóa tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, các mô hình, những điểm trình diễn thực tế trên đồng ruộng là những “cầu nối” hiệu quả để đưa người dân đến nhanh, đến gần với khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Lê Văn Út, ở khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông là một trong những nông dân sớm thành công nhờ năng động chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nghề trồng nấm bào ngư của gia đình. Từ năm 1997, ông Út chuyên sản xuất phôi và trồng nấm mèo đen, song thu nhập không cao, đầu ra bấp bênh. Mãi đến năm 2009, sau khi được UBND phường Thới An Đông cử đi tập huấn về mô hình trồng nấm bào ngư giống Nhật Bản, ông mới mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Ông Út chia sẻ: “Lợi thế của việc trồng nấm bào ngư là không cần nhiều vốn và diện tích. Điều quan trọng là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, xây dựng nhà trại thông thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa trực tiếp, ánh sáng vừa phải, tỏa đều để nấm phát triển đều. Cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ và ít chiếm diện tích cũng là một trong những yêu cầu kỹ thuật quan trọng”. Từ 1 trại nấm đầu tiên, sau hơn 10 năm ông Út đã đầu tư, mở rộng khu vực sản xuất với 5 trại, mỗi trại chứa 5.500 bịch phôi, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Năm 2013, trại sản xuất nấm bào ngư của gia đình ông Út được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ. Đầu ra sản phẩm không còn lo ngại, thương lái đến tận nơi thu mua.

Thời điểm năm 2004, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 5% trong cơ cấu GDP của quận Bình Thủy. Đến năm cuối 2013, giảm chỉ còn 2% và diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 3.850ha. Mặc dù diện tích sản xuất giảm song thu nhập của nông dân trên cùng một đơn vị diện tích lại tăng đáng kể nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng luân canh, xen canh, tăng vụ, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đồng thời năng động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân ở quận Bình Thủy đã vươn lên làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ; Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ở khu vực Thới Hưng; trồng vú sữa Lò Rèn ở khu vực Thới Thạnh; mô hình cánh đồng giống lúa chất lượng phường Thới An Đông; Câu lạc bộ Xoài cát Hòa Lộc khu vực Bình Chánh phường Long Hòa; Hợp tác xã sản xuất rau an toàn – phường Long Tuyền cùng các mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái… cho nhiều nông hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Những mô hình thành công này đang được ngành nông nghiệp quận Bình Thủy nhân rộng tại địa phương, từng bước xây dựng nơi đây thành vành đai xanh nông nghiệp theo định hướng quy hoạch của thành phố Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: “Khoa học kỹ thuật có tác dụng tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, việc nâng cao kiến thức cho nông dân là rất quan trọng. Song để khoa học kỹ thuật thực sự trở thành người bạn của nhà nông, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng nông dân cũng cần mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất phù hợp thực tiễn. Từ đó, tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, cạnh tranh, độc đáo, có giá trị cao đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Đây cũng chính là chiếc chìa khóa làm giàu của những nông dân thời kỳ hội nhập”.

Bài, ảnh: HOÀNG ĐỊNH

Chia sẻ bài viết