Lương y TRẦN PHƯỚC THUẬN
Hải Thượng Lãn Ông là tác giả của bộ y thư lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Việt Nam là bộ Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh. Tên thật của cụ là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Ngọ (1720), mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791). Nguyên quán cụ Lê Hữu Trác ở phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Lúc sinh thời cụ khiêm nhường tự đặt hiệu cho mình là Lãn ông - có nghĩa là “ông già lười”. Người đời sau gắn ghép tên hiệu này với nguyên quán của cụ thành Hải Thượng Lãn Ông.
Cụ Lê Hữu Trác được sinh ra trong thời vua Lê thực chất là một vị vua bù nhìn, quyền hành tập trung trong tay chúa Trịnh ở miền Bắc và chúa Nguyễn ở miền Nam; ngoài ra còn có cuộc khởi nghĩa của nông dân do ba anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ lãnh đạo và nhiều cuộc nổi dậy ở khắp nơi như của: Nguyễn Dương Hùng (1737), Nguyễn Tuyến (1739), Nguyễn Hữu Cầu (1743 1751), Nguyễn Danh Phương (1740 1756)... Trong nước thì nội chiến liên miên, bọn xâm lược bên ngoài, như Mãn Thanh và Xiêm La đã đem quân xâm lược nước ta. Sống trong một thời điểm đất nước rối ren như thế nên từ thuở nhỏ, cụ Lê Hữu Trác đã có quan điểm thiết thực “Sống là phải phục vụ con người”, nên cụ đã bỏ văn theo võ gia nhập quân đội. Nhưng sau đó, cụ xin giải ngũ vì nhận thấy cách đó không thể giải quyết tình hình lúc bấy giờ. Dù vậy tinh thần phục vụ con người, phục vụ nhân dân lúc nào cũng nung nấu trong tâm hồn cụ. Cuối cùng cụ Lê Hữu Trác đã tìm được hướng đi như lời cụ nói rõ trong Y huấn “Nghề y thiết thực lợi ích cho mình, giúp đỡ được mọi người”. Hướng đi ấy là kim chỉ nam chi phối toàn bộ hoạt động của Lãn Ông từ đó về sau.
***
Đối với Lãn Ông, nghề làm thuốc là một nghề thanh cao, ông nói “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công” (Y huấn) và “thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình quyết định”.
Rõ nhất tính nhân đạo trong nghề nghiệp của Lãn Ông ở phần luận trị, Lãn Ông đã áp dụng đường lối vương đạo để trị bệnh, cụ áp dụng triệt để phương châm của Phùng Sở Thiềm, đã hệ thống hóa việc điều chỉnh thủy hỏa trong thân người, chủ trị cái gốc của bệnh, đại đa sống dùng thuốc bổ hỏa, bổ thủy, bổ âm, bổ dương. Cụ công kích những người dùng thuốc sát phạt, phân tích cái sai của những loại thuốc hàn lương... Trong trị bệnh, cụ không phân biệt người giàu, kẻ nghèo, tận tâm chữa bệnh khó khăn nguy hiểm, bất kể đêm hôm hoặc mưa gió.
Nói tóm lại Hải Thượng Lãn Ông đã thể hiện được cái lòng nhân ngay trong nghề nghiệp của mình, đó là cái quan điểm phục vụ tối ưu cần được phát huy và học tập.
***
Trong Y huấn, Lãn Ông đã nói: “Tôi nghĩ việc trước khi lập ngôn không phải dễ, ngạn ngữ có câu: Cho thuốc không bằng cho phương, vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp người ta vô tận nhưng nghĩ cho kỹ nếu trong phương có một vị không đúng hàng trăm nhà chịu tai hại. Huống chi viết thành sách mỗi lời nói đều thành khuôn phép nhất định khó mà thay đổi được, nhở trong câu có điều gì sai lầm thì tai hại lớn hơn cho bài thuốc nhiều”. Quan niệm này rất đúng đắn, vì trên thực tế thầy thuốc có kê đơn thì tai hại cho một hoặc một vài người, còn việc viết sách mà truyền bá sai lầm thì tai hại cho hàng trăm hàng vạn người đọc. Đã nghĩ việc viết sách là điều quan trọng nên Hải Thượng Lãn Ông đã bỏ ra hơn mười năm để hoàn thành bộ Tâm lĩnh, tuy sách được viết theo tông chỉ của Phùng Sở Thiềm, nhưng Lãn Ông cũng trình bày được toàn bộ phát kiến của mình, đã để lại cho hậu thế kho tàng y học vô giá. Từ xưa đến nay người ta viết sách là viết những cái hay, cái giỏi của mình, không ai viết ra cái điều không hay không giỏi, thế mà Lãn Ông lại dũng cảm làm điều đó, trong phần Âm án cụ đã ghi lại nhiều ca bệnh mà cụ đã thất bại, phải chăng cụ muốn để lại cho hậu nhân xem xét và đóng góp? Đây là một tinh thần trung thực, không phải ai cũng có. Tấm lòng ngay thẳng và tinh thần khách quan của cụ rất xứng đáng làm gương cho mọi người.
***
Trong “Y hải cầu duyên” có nhiều đoạn viết “Tìm hiểu sách vở của khắc các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa thì ghi ngay tại chỗ, biện luận rõ ràng, luôn luôn suy nghĩ phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy ra trong lúc suy tưởng, nhân đó mà suy”, hoặc là “Khi có chút thì giờ nhàn rỗi là nghiên cứu các sách thuốc xưa nay, luôn phát huy biến hóa xâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự hiệu ứng vào việc làm mà không sai lầm”. Việc học tập thừa kế của Lãn Ông thật vô cùng cẩn thận và công phu nhưng khi ứng dụng cụ lại không rập khuôn vào những công thức nhất định, mà lại vận dụng sự học vào thực tế một cách sáng tạo. Thí dụ cụ không sử dụng Ma Hoàng thang, Quế Chi thang trong Thương hàn luận nhưng lại sử dụng hãn pháp bằng đường lối mới cho thích hợp với khí hậu phương Nam, ba bài thuốc giải biểu của cụ có giá trị rất lớn. Cụ lại tiếp tục lập thành các bài thuốc gọi là Hiệu phỏng tân phương, mỗi một bài thuốc đều mỗi phát kiến mới của cụ. Nói tóm lại Lãn Ông đã thừa kế những sở đắc của tiền nhân, thâm nhập lý tưởng cổ thật đầy đủ nhưng cụ biết chiết trung và chọn lọc để phát huy những gì cần phát huy cho hợp và đúng với thực tế, thanh lọc bỏ những điều cũ kỹ dư thừa không còn thích hợp, phải nói rằng Hải Thượng Lãn Ông đã thừa kế và phát huy y học theo một quan điểm mới mang tính khoa học rất cao.
***
Đối với Hải Thượng Lãn Ông thì ngoài việc học tập để có khả năng thành một thầy thuốc, còn phải trau dồi đạo đức cho thật đầy đủ. Nhưng đạo đức của Lãn Ông không phải là loại đạo đức máy móc, hình thức mà là một loại y đức có thủy có chung một loại đạo đức chân thật.
Từ trước đến nay ai cũng biết Phùng Sở Thiềm được Lãn Ông tôn làm tiên sư. Nhưng xét cho cùng thì Lãn Ông chỉ đọc sách của Phùng tiên sinh chứ không phải là đồ đệ thật sự, hay nói cách khác bất quá cụ chỉ là đệ tử ký danh của họ Phùng, thế mà cụ hương hoa bốn mùa cúng tế, ngày ngày thành tâm nguyện cầu. Thật đúng là hành động uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, rất đáng được kính phục.
Hải Thượng Lãn Ông rất cẩn trọng đối với mọi người, trong phần Y huấn đã ghi rõ “Đối với người lớn tuổi thì mình phải kính trọng, người học giỏi thì phải xem như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nên khiêm nhường, người kém hơn mình thì mình dìu dắt họ học tập”. Bởi khiêm tốn như thế nên cụ đã thành công lớn trong y học và tránh được nhiều tai nạn trong cuộc đời.
Điểm đặc biệt của Lãn Ông là chú ý đến người nghèo, cụ từng nói “Nhà giàu thiếu gì thầy thuốc còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vì vậy cần nên lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. Đây là một quan điểm thực tế, thể hiện được tình thương chân thật của một lương y.
Đối với phụ nữ, cụ dặn phải triệt để nghiêm túc. Cụ nói “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái, đàn bà góa hoặc ni cô cần phải có người bên cạnh để tránh sự nghi ngờ, dù là hạng buôn hương bán phấn cũng vậy, phải đúng đắn xem họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tai tiếng, bất chính sẽ hậu quả về tà tâm”. Về điểm này ngày nay cũng nên lưu tâm để giữ gìn danh giá người thầy thuốc.
Nhân dân ta bản tính vốn thuần hậu, luôn xem trọng điều ân nghĩa, mang ơn ai luôn tìm cách đền ơn, huống chi việc cứu mạng là việc lớn nên người ta thường đền ơn trọng hậu. Một số thầy thuốc lợi dụng tâm lý này để đòi hỏi quá đáng không đúng với tinh thần phục vụ của Lãn Ông, cụ dạy rằng “Nghề làm thầy là nghề thanh cao, ta là thầy thuốc phải giữ khí tiết cho trong sạch... khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi chớ nên mưu cầu quà cáp... phải quên mình cứu người, ngoài ra tất cả chỉ là mây trôi”.
Ngày nay những thầy thuốc ở Việt Nam đều gọi Hải Thượng Lãn Ông là Y tổ, lấy ngày Rằm tháng Giêng hằng năm làm ngày giổ tổ. Không phải Hải Thượng Lãn Ông là người khai sáng ra nền y học cổ truyền Việt Nam, mà ông chính là người đầu tiên đưa ra những quan điểm lớn, những phương pháp mới hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan và phù hợp với tiến trình y học, rất xứng đáng làm kim chỉ nam cho những người đi sau.