Ghi chép PHƯƠNG TỬ NGHI
Chủ nhân của sáng chế vô cùng thiết thực giữa thời buổi giá nhiên liệu biến động hiện nay là anh em Bùi Minh Thế - Bùi Hoàng Lang. Trong đó, “chủ xị” là anh Thế, một người chỉ mới học hết lớp 5 trường làng. Một ngày cuối tháng 10- 2008, tôi tìm đến nhà anh ở ấp Long Thạnh, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để “mục sở thị” sáng chế vô cùng hữu ích đối với bà con nông dân.
 |
Anh Bảy Thế đang kiểm tra máy phát điện chạy bằng biogas trước khi giao hàng. Ảnh: CHÍ DŨNG |
Ý tưởng sử dụng khí biogas thay vì xài xăng dầu để chạy máy phát điện nẩy ra trong một lần anh Bùi Minh Thế (Bảy Thế) chạy xe tải từ quận 8-TPHCM về Tiền Giang. “Quãng đường chẳng xa, vậy mà chiếc xe tải trọng lượng 750 kg (loại xe Hàn Quốc sản xuất - PV) của tui “nuốt” hết hơn 16 lít xăng. Xót tiền thì ít mà tức mình thì nhiều, vì nghĩ hoài không ra tại sao xe mình hao xăng dữ vậy? Trong khi xe của người ta cũng quãng đường này chạy chỉ 6-7 lít xăng” - Bảy Thế nhớ lại.
Vài ngày sau, Bảy Thế tìm người bạn thân đang làm ở một ga-ra trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TPHCM hỏi thử. Nghe Bảy Thế thuật lại sự tình, anh này mách nước: “Ông về coi lại ở cái táp-lô có chữ LG không. Nếu có, thì đó là loại xe chạy bằng ga”. Về nhà, anh ra xe coi lại thì trúng phóc. Tìm hiểu kỹ nguồn gốc, Bảy Thế vỡ lẽ loại xe tải nhẹ này ở Hàn Quốc sản xuất chuyên chạy bằng ga, khi bán sang Việt Nam được cải biến chạy xăng.
Sẵn tay nghề thợ máy, từng học nghề sửa máy xe hơi mấy năm ở Sài Gòn, Bảy Thế hì hục sửa lại và sau gần 1 tháng chiếc xe tải “uống xăng như uống nước” đã bị “khuất phục” khi chạy quãng đường TPHCM về Tân Hiệp chỉ tốn 7-8 lít xăng. Từ khi “trị” được vụ xe tải hao xăng, Bảy Thế nghĩ đến chuyện ở nước ngoài người ta chế xe tải, xe hơi chạy bằng ga, vậy thì máy phát điện chạy bằng ga chắc cũng được. Ý tưởng thoáng qua trong đầu, muốn bắt tay vô làm ngay, nhưng chuyện “cơm áo gạo tiền” khiến Bảy Thế không có thời gian rảnh để bắt tay làm thử nghiệm. Anh phải rong ruổi cùng những chuyến xe để lo cuộc sống. Mãi đến năm 2004, cuộc sống tạm ổn, con cái đã học hành tới nơi tới chốn có công việc ổn định, Bảy Thế khăn gói về quê sống cùng cậu con trai đầu. Ở quê, chứng kiến cảnh những hộ nuôi heo thải nước ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, rồi thấy mô hình sử dụng khí biogas để làm chất đốt phục vụ nấu nướng, Bảy Thế chợt nhớ lại chuyện chiếc xe tải chạy bằng ga ngày trước. Một ý tưởng lóe lên trong đầu Bảy Thế: “Phải tìm cách sử dụng khí thải biogas đặng bắt cái máy phát điện chạy cho bằng được”. Vậy là Bảy Thế tìm người em là Bùi Hoàng Lang - từng tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy Đại học Bách khoa TPHCM để chia sẻ ý tưởng này và nhờ em lo kiếm những tài liệu có liên quan.
Thí nghiệm đầu tiên Bảy Thế và em trai Bùi Hoàng Lang- kỹ sư chế tạo máy, thực hiện trên máy xe hơi Toyota loại 4 chỗ. Loại máy xe phế thải, chủ ga-ra không xài nữa nên bán rẻ. Bảy Thế tìm mua hơn 100 m ống để dẫn khí biogas làm thí nghiệm... Ròng rã hơn 2 tháng, chiếc máy của xe Toyota 4 chỗ cũng chạy ngon lành, dòng diện phát ra dư sức thắp sáng mấy cái bóng đèn. Nguyên liệu để chạy máy là khí biogas. Bảy Thế và Hoàng Lang ngồi nhìn thành quả vừa thực hiện mà mừng rơi nước mắt.
Thành công bước đầu, Bảy Thế cùng em trai tiếp tục cải tiến chuyển đổi máy phát điện chạy bằng nguyên liệu dầu sang sử dụng biogas. Bảy Thế mua một chiếc máy phát điện D8 mới tinh trị giá 1,7 triệu đồng về nghiên cứu nhưng không thành công, song anh không bỏ cuộc. Năm 2005, Bảy Thế lại mua một máy D15 để nghiên cứu tiếp. Và lần này Bảy Thế đã thành công. Máy D15 chạy bằng dầu sau khi được bỏ đi hệ thống kim phun, bơm cao áp cùng một số bộ phận khác cũng như được lắp đặt thêm hệ thống tiếp nhận nguyên liệu đã chạy ngon lành bằng biogas.
Chiếc máy đầu tiên đạt 5kw, khi vừa làm xong ngay lập tức chú Tám Đấu - một hộ chăn nuôi lớn ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang đã bỏ ra 12,5 triệu đồng để trở thành khách hàng đầu tiên của anh em Bảy Thế. “Cái máy đó, chú Tám xài nay 3 năm rồi, cách nay chừng 2 tháng tui mới lên thay bu-gi, còn mọi thứ vẫn chạy tốt” - Bảy Thế cho biết. Với máy 5kw, nhà có trại heo trên 100 con, chú Tám sử dụng bơm nước tắm heo, vệ sinh chuồng trại, sử dụng luôn cho máy giặt, tủ lạnh, ti-vi, máy lạnh... “Xài cái máy này tiện lợi là mình tận dụng được chất thải, không gây ô nhiễm mà lại tiết kiệm được chi phí và không lo lỡ cúp điện hổng có điện xài!” - chú Tám bộc bạch.
Hiện nay, tùy theo nhu cầu của khách hàng, Bảy Thế có thể chuyển đổi và cung ứng máy phát điện biogas có công suất từ 3kw đến 20kw với giá thành từ 4 đến 28 triệu đồng, tùy theo máy của khách hàng đem tới hoặc máy mới do cơ sở cung ứng. Khi đã có máy, hộ dân chỉ cần xây hầm ủ biogas để trữ khí là có thể sử dụng ngay. “Máy phát điện sử dụng biogas chạy êm hơn, khí thải sạch hơn và công suất máy thì không thay đổi so với chạy bằng dầu diesel hoặc xăng” - Bảy Thế cho biết. Từ năm 2006 đến nay, anh em Bảy Thế đã bán ra thị trường hàng trăm máy phát điện biogas và khách hàng không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, mà các tỉnh trên toàn quốc cũng tìm đến để mua máy. Cuối năm 2008, Bảy Thế đã cung cấp cho Trung tâm Nghiên cứu -Thực nghiệm- Đa dạng sinh học Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) 4 máy phát điện biogas.
* * *
Biogas - nguồn năng lượng tại chỗ và rẻ tiền để làm nhiên liệu chạy máy phát điện là một giải pháp tích cực đối với bà con nông dân. Không chỉ với hộ chăn nuôi đơn lẻ, mà những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, những làng nghề truyền thống khi dùng máy phát điện chạy bằng biogas sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Bảy Thế nói: “Máy phát điện chạy bằng biogas phát huy hiệu quả rất cao. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa giải quyết rác thải, vệ sinh môi trường”.