11/11/2012 - 18:51

Sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP ở ĐBSCL còn nhiều trở ngại

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP.

Global Gap là tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt - Good Agricultural Practiece" được áp dụng trên phạm vi toàn cầu nhằm kiểm tra xuyên suốt để bảo đảm an toàn cho trái cây, cho người sản xuất và bảo vệ môi trường. Quy trình này được phổ biến tại ĐBSCL từ năm 2005 nhưng đến nay kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, hiện chưa đầy 200 ha trong hơn 280.000 ha vườn cây ăn trái ở ĐBSCL áp dụng chuẩn Global GAP, tập trung tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Diện tích vườn cây ăn trái áp dụng chuẩn Global GAP quá nhỏ tại ĐBSCL có nhiều nguyên nhân. Trước hết, diện tích sản xuất của mỗi hộ nhỏ, manh mún, không liền kề. Mỗi nông hộ lại trồng nhiều loại giống (phổ biến là chưa rõ nguồn gốc, chất lượng giống chưa bảo đảm) trên cùng một mảnh vườn chưa được qui hoạch cụ thể. Nông dân vẫn trồng cây theo kinh nghiệm, chưa tự giác tham gia hợp tác xã kiểu mới để nâng cao năng suất, hiệu quả mà vẫn còn sản xuất theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Nông dân chưa có nơi tồn trữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồ bảo hộ lao động, chưa được hướng dẫn chu đáo về sử dụng an toàn các chế phẩm trên trong quá trình sản xuất. Nông dân vẫn lạm dụng, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, sử dụng nhiều thuốc có độ độc cao, sử dụng nhiều phân đạm cận ngày thu hoạch đã để lại dư lượng chất không có lợi cho sức khỏe trong trái cây. Chất lượng nước tưới cũng không bền vững do môi trường nước mặt bị ô nhiễm, làm tích lũy nhiều độc chất gốc lân, kim loại nặng…trong trái cây. Nông dân cũng chưa hề ghi chép công việc và chi phí trong chu kỳ sản xuất. Việc bán sản phẩm chủ yếu dựa vào thương lái và người tiêu dùng, giá bấp bênh, chi phí trung gian cao.

Đến nay, người tiêu dùng vẫn chưa truy được nguồn gốc sản phẩm. Ngay cả những sản phẩm đạt chuẩn GAP rồi vẫn chưa bán được với giá tương xứng nên khó thuyết phục người dân áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Global GAP hoặc Viet GAP.

Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã đề xuất nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là qui hoạch vùng sản xuất tập trung, hợp tác hóa, mở rộng xây dựng mô hình kiểu mẫu từng loại cây ăn trái, xúc tiến thương mại trong ngoài nước, xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ.

Thế Đạt (TTXVN)

Chia sẻ bài viết