22/07/2008 - 20:44

Ông Phạm Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Công thương:

Sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất hiệu quả

 

Nhằm góp phần giảm và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp, UBND TP Cần Thơ đã ra Kế hoạch số 30/2008/KH-UBND về việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trong thành phố. Kế hoạch được triển khai trong giai đoạn 2008-2010 và giao cho Sở Công nghiệp (cũ) chủ trì. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, xung quanh việc triển khai kế hoạch này.

* Thưa ông, việc phát động áp dụng SXSH đến doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã được triển khai ở TP Cần Thơ như thế nào?

-Tháng 4-2008, Sở Công nghiệp (cũ) đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức hội thảo “Công nghiệp TP Cần Thơ áp dụng sản xuất sạch hơn” nhằm tuyên truyền, phổ biến qui trình SXSH đến DN, đồng thời Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Sơn đã phát động DN đăng ký tham gia SXSH. Hiện nay, Sở Công Thương đang theo dõi và tổng hợp danh sách các DN đăng ký tham gia chương trình. Từ nay đến cuối năm 2008 sẽ tập trung bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý trong ngành. Sang năm 2009 sẽ tập huấn cho chủ DN và cán bộ kỹ thuật sản xuất; phối hợp với các sở, ngành liên quan để bàn soạn thảo chế độ chính sách khuyến khích DN áp dụng SXSH trình UBND thành phố ban hành.

Trong giai đoạn I (từ nay đến cuối năm 2008), sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Nhà nước về SXSH đến các DN. Việc nhận thức của chủ DN sẽ quyết định rất lớn đến kế hoạch SXSH của thành phố. Sở Công Thương sẽ giới thiệu một số DN điển hình trong áp dụng SXSH và đạt chứng chỉ ISO 14000 nhằm giúp cho các đơn vị chưa áp dụng thấy được lợi ích thiết thực và trách nhiệm của mình trong việc SXSH. Mặt khác, liên hệ với các Trung tâm tư vấn về SXSH tại TP Hồ Chí Minh để cử cán bộ chuyên ngành đi tham quan và học tập kinh nghiệm ở những DN thực hiện SXSH có hiệu quả. Sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan như: Sở Tài nguyên- Môi trường, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp... lập kế hoạch tổ chức điều tra hiện trạng về dây chuyền công nghệ, phân loại thiết bị và xác định chất thải tại các DN.

Giai đoạn 2009-2010, trong quí I-2009, trên cơ sở điều tra xác định những tồn tại về môi trường các phế thải, phế liệu cần xử lý ở giai đoạn I, Sở sẽ xây dựng chương trình SXSH trong các DN đến năm 2010 và định hướng 2015. Mặt khác, Sở Công Thương sẽ liên hệ với Viện, trường, các Trung tâm tư vấn để ký hợp đồng xây dựng chương trình SXSH trong các DN. Chương trình này giúp DN cải tiến qui trình sản xuất hoặc lựa chọn công nghệ phù hợp để thay thế công nghệ mà DN đang sử dụng và sẽ lựa chọn DN điển hình để hỗ trợ thực hiện SXSH. Chương trình sẽ tư vấn cụ thể cho DN cần cải tiến thiết bị, đổi mới để SXSH, đồng thời tiết kiệm kinh phí nhất. Mặt khác, giúp DN phân loại chất thải, khí thải... và đề xuất hướng xử lý cụ thể. Đối với những phế liệu, phế thải vượt ngoài năng lực đầu tư của DN sẽ có biện pháp kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý phế liệu.

* Ông nhận định về mức độ quan tâm của DN trên địa bàn đối với việc áp dụng SXSH?

-Trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm, việc sử dụng thiết bị, qui trình công nghệ, quản lý... tạo ra các chất thải không được tái sử dụng hoặc không xử lý triệt để đang tồn tại rất lớn tại DN. Điều này, không những gây lãng phí mà còn tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, việc nghiên cứu thay thế thiết bị ít tiêu hao năng lượng, qui trình quản lý để giảm thiểu chất thải trong sản xuất là vấn đề DN cần phải quan tâm. Tuy nhiên, mức độ quan tâm của DN về SXSH còn hạn chế, nhất là DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, việc áp dụng SXSH đối với DN trên địa bàn vẫn còn mới, công tác tuyên truyền và phổ biến chương trình SXSH cũng như trình mô hình trình diễn điểm chưa rộng.

Hiện nay, DN vừa và nhỏ có nhiều dấu hiệu gây tác động xấu đến môi trường, do nhiều DN không có đủ vốn đầu tư và việc tiếp cận nguồn vốn còn quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Song, nhiều DN đủ năng lực đầu tư, nhưng không mặn mà với SXSH, bởi họ không được trích lợi nhuận để tái đầu tư. Cũng có DN bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư SXSH, trong khi các DN khác tự do xả các chất ô nhiễm ra môi trường, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt quá nhỏ, không đủ mức ngăn chặn.

* Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng, áp dụng SXSH có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa ông?

- Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất. SXSH đáp ứng được một yêu cầu quan trọng của tiêu chuẩn ISO 14001 là chuyển đổi từ tập trung vào các giải pháp cuối đường ống sang khảo sát tất cả công đoạn của quá trình sản xuất, dịch vụ và vòng đời sản phẩm. Tất cả kỹ thuật này không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn đem lại những lợi ích kinh tế qua việc tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, giúp DN sản xuất có lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh và cải thiện hình ảnh DN trước cộng đồng.

Tuy nhiên, áp dụng SXSH một cách bài bản rất cần sự thay đổi về nhận thức của DN. Qua nghiên cứu, phần lớn DN áp dụng SXSH đều có thể giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ từ 10- 15%. Hiện nay, một số DN trên địa bàn thành phố đang áp dụng SXSH có hiệu quả cao như: Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2- Cần Thơ, Công ty CP Thuốc sát trùng Cần Thơ, Công ty LD Thép Tây Đô, Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải...

* Theo ông, SXSH có nhất thiết là phải thay đổi công nghệ không. Mục tiêu mà ngành Công Thương đặt ra đến năm 2010 có bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng SXSH, thưa ông?

- Các giải pháp áp dụng SXSH rất đa dạng không nhất thiết phải đổi mới toàn bộ công nghệ sản xuất mà tùy theo điều kiện địa lý, sản xuất, công nghệ... của DN thì cần phải thay đổi, cải tiến những gì. Chẳng hạn thay đổi qui trình sản xuất, giảm lượng hóa chất sử dụng, điều chỉnh thiết bị sản xuất, thu hồi dầu thải, thu hồi nước mưa tái sử dụng... nhằm làm giảm tiêu thụ nguyên liệu sản xuất (điện, nước, hóa chất, dầu...) làm giảm giá thành sản phẩm và chi phí xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về SXSH của UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc) và khảo sát thực tế tại TP Hồ Chí Minh, hơn 50% chất thải có thể tránh được bằng các biện pháp quản lý đơn giản và các thay đổi nhỏ trong qui trình sản xuất. Hơn 65% rào cản để áp dụng SXSH lại liên quan đến động cơ và thái độ hợp tác của lãnh đạo, nhân viên trong nhà máy.

Sở Công Thương đang xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai Kế hoạch 30 của UBND thành phố. Trong đó, dự kiến đến năm 2010, có 100% cơ sở sản xuất đầu tư mới phải có công nghệ sạch hoặc có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, phải có đề án đánh giá tác động môi trường, đồng thời, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. 20% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001. 100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường. Mặt khác, ngành sẽ xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết