10/11/2018 - 16:53

Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Hợp tác để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có lợi cho con người và môi trường. Đó là những thông điệp của Hội thảo Hướng đến phát triển bền vững vùng ĐBSCL nước - nông nghiệp - kinh doanh, do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức nhân sự kiện Ngày Hà Lan tại TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu: nước biển dâng, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn… Sản xuất nông nghiệp cũng dần chuyển đổi xu hướng phát triển trên nền tảng biến đổi khí hậu. Ông Dương Văn Ni, chuyên gia đa dạng sinh học của Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Hãy xem biến đổi khí hậu là cơ hội chứ không còn là thách thức. Trong đó nước là tài nguyên hữu hạn chứ không phải vô hạn, việc khai thác sử dụng cần phải có cơ sở như các ngành kinh tế khác, nên cần phải bảo vệ và hạn chế khai thác nước ngầm. TP Cần Thơ đã nhìn thấy những vấn đề trên và thời gian qua đã có những hành động bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện nay Cần Thơ cần sự giúp đỡ từ phía Hà Lan trong hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân bổ nguồn tài nguyên nước cho những mục đích khác nhau.  

Theo các chuyên gia Hà Lan, các bên thực thi liên quan cần hợp tác chặt chẽ để đưa ĐBSCL thành khu vực bền vững, thích ứng tốt và thịnh vượng hơn. Đó là biến những thách thức thành cơ hội kinh doanh bền vững, kết hợp quản lý nước và sản xuất nông nghiệp thành công. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, phải bắt đầu bằng tầm nhìn phát triển bền vững, đứng trên “3 chân” kinh tế - xã hội - môi trường. Nên thay đổi tư duy từ “tăng gia sản xuất” vốn chỉ chú trọng sản lượng sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp và chú trọng chất lượng. ĐBSCL có những đặc điểm tự nhiên đặc thù, cần phải được hiểu để xây dựng những kế hoạch thích ứng phù hợp, không nên chống lại. Ông Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần bố trí, sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên: chuyển đổi sử dụng đất theo hướng giảm thâm canh, sản phẩm sản xuất theo thị trường. Quy hoạch sử dụng đất tối ưu theo hướng giải pháp tiết kiệm nước, giảm sử dụng phân bón…

ĐBSCL và Hà Lan khá giống nhau khi đang phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong những năm qua, Hà Lan đang từng bước giúp Việt Nam, ĐBSCL phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm an toàn lương thực, trong đó có chuyển giao khoa học kỹ thuật. Năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời được chọn là đối tác chính tại Việt Nam để thực hiện, triển khai và khai thác Dự án Sat4Rice, tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan, với sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ Hà Lan. Mục tiêu của Sat4Rice là cung cấp cho nông dân thông tin tất cả các giai đoạn sản xuất bao gồm các điều kiện để chuẩn bị đất tốt hơn, sử dụng hiệu quả nước, phân bón và các vật tư đầu vào khác, cũng như các phương pháp hay nhất để kiểm soát sâu bệnh, từ đó hướng tới mục tiêu tăng sản lượng và tiết giảm các chi phí. Ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp tại Việt Nam thì công nghệ viễn thám, ứng dụng Sat4Rice là giải pháp hạn chế tác động thời tiết, giải quyết vấn đề quản lý nước, đồng ruộng, nhân công, vận chuyển… Sau 3 năm thực hiện tại Tập đoàn Lộc Trời, đây là dự án rất hiệu quả. Hy vọng các đối tác phía Hà Lan cũng như Việt Nam tiếp tục ủng hộ, hợp tác với Lộc Trời để duy trì dự án, phục vụ nâng chất chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam, ĐBSCL.

Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng: Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Mối liên kết giữa Hà Lan và TP Cần Thơ được thiết lập dựa trên cùng mong muốn chung tay tìm ra giải pháp giảm nguy cơ, nắm bắt và tạo cơ hội cho vùng đồng bằng. Hà Lan có rất nhiều kiến thức chuyên môn kết hợp nước - ngành nông nghiệp để hỗ trợ Việt Nam và sẵn sàng tiếp tục và tăng cường hợp tác với tất cả các bên liên quan để phát triển ĐBSCL thành một khu vực bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thịnh vượng hơn.

Khánh Nam

Chia sẻ bài viết