Nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2021-2022 với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và giá phân bón cùng nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và ít có khả năng giảm mạnh trở lại trong ngắn hạn. Do vậy, để đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân có lời, nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm chi phí sản xuất.
Giá vật tư đầu vào tăng cao
Mua bán lúa giống tại một cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
So với cách nay hơn 2 tuần, giá nhiều loại phân bón vô cơ (hóa học) như Urê, DAP, Kali…tiếp tục tăng thêm từ 40.000-100.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao hơn gấp đôi so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm trước. Do giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí sản xuất đầu vào tăng, hiện giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên 10-30% so với cùng kỳ năm trước, cá biệt có một số mặt hàng tăng tới 50%, tương đương mức tăng từ 10.000-50.000 đồng/chai hoặc gói. Hiện giá lúa giống, xăng dầu, giá thuê mướn nhân công và nhiều loại máy móc cơ giới phục sản xuất cũng tăng mạnh. Ông Lâm Văn Đầy ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chưa bao giờ giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa lại đồng loạt tăng cao như hiện nay. Tôi đã phải mua DAP với giá hơn 1,3 triệu đồng/bao, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Để sản xuất mỗi công lúa, vụ này nông dân chắc phải bỏ ra số tiền lên tới 3 triệu đồng”.
Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… giá các loại phân Urê (đạm) như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và Urê Ninh Bình đã ở mức 900.000-950.000 đồng/bao, trong khi hồi đầu năm giá chỉ ở mức 320.000-350.000 đồng/bao. Còn giá DAP Đình Vũ và DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Philippines đang ở mức từ 980.000-1.350.000 đồng/bao, trong khi hồi đầu năm giá chỉ khoảng 570.000-630.000 đồng/bao. Giá các loại Kali ở mức từ 840.000-880.000 đồng/bao, tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu năm. NPK 16-16-8 Việt Nhật tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức 750.000-800.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 có giá 900.000-940.000 đồng/bao, tăng hơn 300.000 đồng/bao so với hồi đầu năm… Theo nhiều đơn vị, doanh nghiệp, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn tăng và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và ảnh hưởng bởi giá thế giới tăng và nhu cầu tiêu thụ tăng do bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021-2022.
Theo ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP phân bón Bình Điền, giá phân đạm tại nhiều nước trên thế giới đã tăng lên ở mức từ 870- 1.000 USD/tấn. Đạm tăng giá và gặp khó về nguồn cung tại nhiều nước trên thế giới cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK. Đối với nước ta, hiện có 4 nhà máy sản xuất đạm có thể đảm bảo cung ứng đủ và dư cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, DAP cần nhập khẩu thêm khoảng 50%, Kali và SA hầu như nhập khẩu 100%... và các mặt hàng này cũng đang tăng giá rất mạnh so cùng kỳ năm trước. Hiện nước ta đã gia nhập thị trường toàn cầu trên thế giới nên rất khó can thiệp ngẫu nhiên vào giá phân bón, nhất là khi nhiều mặt hàng còn phải nhập khẩu. Chúng ta buộc phải tìm cách thích ứng tình hình thị trường thế giới.
Để kéo giảm chi phí sản xuất
Vụ đông xuân 2021-2022, vùng ĐBSCL dự kiến gieo trồng 1,52 triệu héc-ta, với sản lượng ước đạt hơn 11,02 triệu tấn và đến nay các địa phương đã xuống giống gieo trồng được khoảng 300.000ha lúa. Dự kiến, trong tháng 11 và 12-2021, các địa phương sẽ tập trung xuống giống dứt điểm các diện tích lúa vụ đông xuân.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, đến nay, tỉnh đã xuống giống gieo trồng được 59.000/225.000ha lúa vụ đông xuân theo kế hoạch. Năm nay lũ nhỏ nhưng việc gieo sạ lúa có gặp khó do gần đây triều cường lên cao khiến lũ rút chậm, ảnh hưởng đến chi phí bơm tát và thời vụ. Sản xuất lúa vụ đông xuân cũng gặp khó do giá các loại phân bón tăng mạnh và giá nhiều loại lúa giống cũng cao, lên đến 16.000-18.000 đồng/kg, gây áp lực cho nông dân. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực khuyến cáo nông dân thực hiện bón phân cân đối, hợp lý để giảm lượng sử dụng phân bón và sử dụng giống tiết kiệm. Tuy nhiên, địa phương cũng rất mong các cơ quan chức năng và hiệp hội phân bón cần kịp thời khảo sát, nắm bắt kỹ tình hình giá cả và cung - cầu phân bón trong nước để có giải pháp đảm bảo nguồn cung và ổn định giá. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống cần tăng cường liên kết với ngành Nông nghiệp của tỉnh để phối hợp cung ứng giống và nhường quyền sản xuất giống đối với những loại lúa giống thuộc bản quyền của doanh nghiệp. Qua đó, tránh tình trạng nông dân phải mua lúa giống với giá cao, phải sử dụng nguồn giống không bao bì, nhãn hiệu và không rõ chất lượng.
Tỉnh Kiên Giang có kế hoạch xuống giống 283.000ha trong vụ đông xuân 2021-2022 và đã xuống giống trên 34.000ha. Trong quá trình sản xuất lúa tại địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm vấn đề vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và ngay từ đầu vụ tỉnh đã tổ chức khảo sát, kiểm tra về nguồn giống, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ sản xuất. Tỉnh có hơn 700 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và hiện tỉnh cũng đã lấy mẫu phân tích chất lượng nhiều loại phân bón, vật tư nông nghiệp tại các cơ sở nhằm đảm bảo chất lượng. Theo ông Lê Hữu Đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp nắm giữ bản quyền lúa giống chia sẻ bản quyền và nhường quyền sản xuất lúa giống cho các hợp tác xã và nông dân tại tỉnh để tăng cường nguồn lúa giống chất lượng và có giá cả phù hợp. Tránh tình trạng khan hiếm nguồn hàng khiến giá bị đẩy lên cao. Kiên Giang là tỉnh có nhu cầu rất lớn về lúa giống, với trên 33.600 tấn/vụ.
Giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao là việc đã xảy ra và khó đảo ngược trở lại trong thời gian ngắn. Các chuyên gia khuyến cáo, nông dân cần đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và giải pháp hiệu quả để kéo giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, cần giảm lượng sử dụng giống, áp dụng các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp và các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… để giảm chi phí công chăm sóc, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp các địa phương cần chủ động có các giải pháp để thích ứng tình hình, giúp nông dân giảm thấp nhất thiệt hại. Cần tập trung hướng dẫn nông dân các giải pháp nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, giảm sử dụng phân bón hóa học và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Cả nước ta mỗi năm có hơn 150 triệu tấn các loại phụ phẩm trong nông nghiệp, đây là nguồn làm phân bón hữu cơ rất dồi dào. Vì vậy, nông dân cần khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong vụ đông xuân này trên chính địa phương của mình để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận...
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG