04/05/2022 - 08:15

Sản xuất lúa gạo vào cuộc cạnh tranh 

HỮU ÐỨC

Trồng lúa bán gạo đáp ứng theo nhu cầu thị trường chuyển đổi và cạnh tranh. Theo xu hướng mới nông dân thay đổi dần tập quán canh tác, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng hạt gạo.

HTX Khiết Tâm cơ giới hóa sản xuất lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: P.V.Q

Chuyển đổi theo thị trường

Ở vựa lúa ÐBSCL thị trường lúa gạo chuyển động không ngừng. Những năm gần đây tại các gian hàng gạo chợ nội địa rất phong phú với hàng chục loại gạo. Từ nhóm gạo thơm ngon đặc sản, gạo ngon chất lượng cao xuất khẩu, gạo thông dụng phẩm chất trung bình. Bên cạnh đó, các chủng loại gạo xuất khẩu chiếm sản lượng lớn thông qua kênh tiêu thụ từ thương lái và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo. Tiếp nhận tín hiệu phản hồi từ thị trường, nông dân các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) chọn giống (hoặc nhận giống lúa) sản xuất theo đặt hàng.

Nếu như gần đây xu hướng tiêu dùng gạo nội địa của nhóm gạo thơm ngon tăng lên, gạo thông dụng có phẩm chất trung bình vẫn giữ nhịp tiêu thụ tốt ở phân khúc tiêu dùng có mức thu nhập trung bình hoặc nhóm gạo chuyên dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm như làm bột, bánh, bún, phở… Trong khi đó, mỗi năm trước khi triển khai sản xuất vào đầu mỗi vụ lúa đông xuân, hè thu và thu đông ở ÐBSCL, Cục Trồng trọt, Viện Lúa ÐBSCL và các tỉnh, thành trong vùng đều tham khảo ý kiến, nhận định thị hiếu nhu cầu tiêu dùng gạo từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, nhất là ý kiến của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Nắm bắt từ thực tế và xu thế chuyển đổi cơ cấu giống ở vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, cho rằng: Trong hoạt động nghiên cứu giống lúa của Viện, từ năm nay trở đi chương trình hoạt động nghiên cứu chú trọng đến nhóm giống có chất lượng cao nhiều hơn. Nếu như trước đây nghiên cứu ra đời các giống lúa có tính chống chịu sâu bệnh, khả năng thích nghi trước thời tiết, biến đổi khí hậu (BÐKH) hoặc thời gian sinh trưởng thì hiện Viện Lúa tập trung nghiên cứu, chia theo 4 nhóm giống lúa chất lượng khác nhau theo phân khúc thị trường như nhóm gạo siêu cao cấp, hạt trắng, dài, thơm chất lượng cao; nhóm giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; nhóm cao sản cho chất lượng trung bình có năng suất rất cao và nhóm đặc sản gồm các giống nếp, Japonica, nhóm gạo màu (dinh dưỡng)…

TS Thạch dẫn chứng: Vừa qua trong nhóm phân khúc gạo cao cấp thơm đặc sản như các giống lúa ST, Nàng Hoa 9, nhóm giống lúa đạt phẩm chất gạo ngon xuất khẩu của Viện Lúa có OM 5451, OM 4900 và thêm giống mới OM 18 được nông dân đưa vào canh tác trên diện rộng. Những năm gần đây  thị trường có sự phản hồi tích cực, vượt trội đối với giống lúa mới OM 18 của Viện Lúa. Về giá cả, hiện thời lúa OM 18 được thu mua ở mức 6.000-6.200 đồng/kg, trong khi OM 5451 giá 5.600-5.800 đồng/kg. Ðáng lưu ý qua cập nhật mới nhất về diện tích canh tác giống lúa OM 18 đã vượt trên 800.000ha ở ÐBSCL và đang lan rộng ra một vài tỉnh miền Ðông và sang nước bạn Campuchia.

TS Thạch nhận định: Tin tưởng vào tương lai ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất khả quan, với nội lực từ nguồn giống, hệ thống canh tác và công nghệ sản xuất lúa gạo của Việt Nam đủ sức cạnh tranh.

Công ty CP Trung An “trồng lúa bán gạo”, liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: H.Ð

Thay đổi tập quán sản xuất cũ

Trong 5 năm qua ở một số tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ đã phát huy hoạt động các Tổ nông dân hợp tác, HTX sản xuất lúa nhờ có sự  hỗ trợ từ VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam).

Bước đầu thông qua dự án tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn nâng cao nhận thức nông dân, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, kết nối chuỗi sản xuất nâng cao giá trị lúa gạo.

Qua đó, tại TP Cần Thơ có hơn 20 tổ hợp tác, HTX được củng cố xây dựng tiếp cận hỗ trợ từ VnSAT và liên kết doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo. Ðiển hình có HTX Nông nghiệp Khiết Tâm, tại ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh nổi lên như một hình mẫu phát triển kinh tế theo mô hình liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn. HTX Khiết Tâm có diện tích sản xuất lúa 340ha, với 40 nông dân thành viên. Từ năm 2008, các nông dân thành viên trong HTX bắt đầu thực hiện chương trình IPM, áp dụng biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” trong canh tác lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, cho biết trong 4 năm qua nông dân trong HTX áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” được tập huấn áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật).

Trước đây nông dân HTX canh tác lúa theo tập quán cũ, sạ lúa mật độ gieo hạt giống dày tới 200-220 kg/ha. Nhưng khi nhận thấy mô hình trình diễn qua 1-2 vụ đạt hiệu quả, nhiều nông dân mạnh dạn giảm dần lượng giống lúa gieo sạ xuống còn 150kg và nay 120 kg/ha. Ðó là sản xuất lúa thương phẩm. Còn sản xuất lúa giống, gieo bằng máy cấy lượng giống còn giảm hơn nữa, chừng 60-80 kg/ha.

Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn theo hướng nông nghiệp hiện đại, HTX Khiết Tâm tự lực huy động nguồn vốn các nông dân thành viên, đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp đạt 100% cho tất cả các khâu sản xuất. Từ khâu cày bừa, gieo cấy, thiết bị bón phân, phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp. Ðến nay HTX đủ điều kiện sản xuất lúa chuyên nghiệp và chủ động sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Hiệu quả lớn nhất khi thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến đã tăng năng suất vụ đông xuân ổn định 7-8 tấn/ha (lúa khô). Lợi ích lớn hơn là lúa ít sâu bệnh. Nông dân ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giảm được 15% chi phí, đồng thời môi trường đồng ruộng dần dần hồi phục.

Hiện nay HTX Khiết Tâm sản xuất lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp Ngọc Quang Phát, cung ứng mỗi năm trên 5.000-6.000 tấn lúa và sản xuất lúa giống xác nhận theo tiêu chuẩn của Viện Lúa ÐBSCL, mỗi năm sản xuất khoảng 3.000 tấn.

Chia sẻ bài viết