29/03/2019 - 18:30

Sản xuất cây ăn trái bền vững tại ĐBSCL 

 (CT)- Ngày 28 và 29-3, tại Tiền Giang, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam kết hợp với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức hội thảo khoa học sản xuất cây ăn trái bền vững.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp và gần 700 nông dân chuyên trồng thanh long, sầu riêng, xoài và cây có múi tại ĐBSCL.

Nông dân trao đổi với nhà khoa học về sản xuất cây ăn trái. 

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm 2018 trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, đạt kim ngạch khoảng 3,8 tỉ USD. Tuy kết quả rất khả quan, nhưng sản xuất cây ăn trái vẫn đối mặt với những thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của các vườn cây ăn trái. Chính vì vậy, cần thay đổi sản xuất theo khoa học, đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ để bảo đảm bền vững và có thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế.  

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng tiềm năng trái cây ĐBSCL trong cung cấp nguồn hàng xuất khẩu còn rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường nhập khẩu trái cây ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng và nhất là yếu tố an toàn thực phẩm, nếu không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất theo hướng an toàn thì đây sẽ là một thách thức lớn trong việc duy trì xuất khẩu ở mức cao và bền vững. Đại bộ phận sản lượng trái cây được sử dụng dưới dạng ăn tươi, chế biến rất hạn chế, điều này cũng trở thành điểm yếu trong việc đưa trái cây ra thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, thời gian tới cần rà soát, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất rải vụ. Đồng thời, nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm trái cây; mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa cho các loại cây ăn trái đặc sản.

Tin, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết