30/05/2021 - 13:07

Sẵn sàng phương án thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh 

Ðó là một trong những nội dung được thảo luận tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) vừa tổ chức.

Giờ học của học sinh lớp 12 Trường THPT Thới Lai.

Phương án thi cho F1, F2

Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2020 nhưng lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, Bộ GD&ÐT đã ban hành quy chế, điều chỉnh về mặt kỹ thuật; cũng như có phương án dự phòng cho kỳ thi. Theo quy chế của Bộ GD&ÐT, thí sinh là bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) phải điều trị và không thể dự thi, sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Tính đến hết ngày 26-5, cả nước có 18 thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi là F0 và 394 F1, chủ yếu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam và Ðiện Biên. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết số lượng thí sinh là F0, F1, F2 có thể thay đổi trong thời gian tới. Các thí sinh thuộc diện F1, F2 sẽ được bố trí dự thi ở các điểm thi riêng, cùng giải pháp y tế đi kèm. Ông Mai Văn Trinh đề nghị: “Các địa phương phải có kịch bản tổ chức thi trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh. Chuẩn bị chu đáo nguồn lực về con người, tài chính, địa điểm thi… để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh”.

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi năm 2020 cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đã có một số địa phương, điển hình như Ðà Nẵng, có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đợt 2; việc tổ chức kỳ thi năm nay đề cao cả hai tiêu chí nghiêm túc và an toàn. Chẳng hạn, với thí sinh là F1, nếu điểm thi cách xa địa điểm cách ly, địa phương đưa đón thí sinh bằng ô tô riêng và chống lây nhiễm chéo. Thầy cô và học sinh có thể phải mặc đồ bảo hộ. Với thí sinh là F2, tại điểm thi sẽ có bố trí phòng thi riêng. Tại tất cả điểm thi, cán bộ tham gia công tác thi và thí sinh phải thực hiện các giải pháp phòng dịch bệnh. Ðịa phương nào có nguồn lực và kinh phí có thể xét nghiệm COVID-19 cho thí sinh dự thi.

Các phương án được Bộ GD&ÐT xây dựng hướng đến mục tiêu tuyệt đối an toàn, vẫn đảm bảo chất lượng kỳ thi. Tuy vậy, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ÐT Bắc Ninh, cho rằng bộ cần có hướng dẫn cụ thể các tình huống như thí sinh là F0 phải điều trị trong bệnh viện trước ngày thi quá 10 ngày, có xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 đều từ Khá trở lên có thuộc đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp không; bởi theo quy chế không quá 10 ngày. Thí sinh F0 phải điều trị trong bệnh viện trước ngày thi không quá 10 ngày nhưng có học lực, hạnh kiểm cả năm lớp 12 xếp loại Trung bình, thì có được xét đặc cách không vì quy định là phải xếp loại Khá.

Tương tự, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng: Trường hợp thí sinh là F0, theo quy chế là miễn thi. Tuy nhiên, nếu sau đó có tổ chức thi đợt 2, các em này khỏi bệnh và có nguyện vọng thi đợt 2 để lấy kết quả xét tuyển đại học, thì có được thi hay không. Thí sinh đang sống trong địa bàn bị phong tỏa bởi COVID-19 vào thời điểm kỳ thi diễn ra, cần có hướng dẫn như thế nào. Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi năm nay lớn nhất toàn quốc, với hơn 110.000 thí sinh, tăng 22.000 thí sinh so với năm trước.

Huy động mọi nguồn lực

Tại ÐBSCL, UBND các tỉnh, thành đã chỉ đạo các Sở GD&ÐT và các ngành, các cấp hữu quan chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi 2021. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tỉnh có 30 điểm thi, 464 phòng thi; với hơn 8.800 thí sinh dự thi. Ðể đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, tỉnh chuẩn bị chu đáo trang thiết bị thi. Ðại diện Sở GD&ÐT tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh khâu tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, lãnh đạo tỉnh có phương án vận chuyển đề thi đến nơi xa đất liền bằng tàu biên phòng hoặc bằng máy bay (từ Cần Thơ ra đảo Phú Quốc). Tuy vậy, đề xuất bộ có văn bản cụ thể đối với thí sinh là F1, F2 để ngành Giáo dục và ngành Y tế tỉnh Kiên Giang chủ động hơn khi tổ chức kỳ thi.

Tại TP Cần Thơ năm nay có hơn 12.100 thí sinh ứng thí kỳ thi; trong đó có hơn 10.300 thí sinh hệ giáo dục phổ thông. Thành phố dự kiến bố trí 517 phòng thi tại 24 điểm thi ở 9 quận, huyện. Trao đổi bên lề hội nghị, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: “Công tác chuẩn bị cho kỳ thi 2021 đúng tiến độ đề ra. Thành phố đã tổ chức kỳ khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12, đề khảo sát bám sát đề thi minh họa của Bộ, các khâu thực hiện y như kỳ thi thật, giúp học sinh làm quen với áp lực trường thi. Chúng tôi có đánh giá, khảo sát nhằm giúp các trường kịp thời điều chỉnh và ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả”. Theo bà Trần Hồng Thắm, ngành yêu cầu các trường chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; đồng thời, phối hợp các ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch bệnh trước và trong kỳ thi theo khuyến cáo cơ quan y tế. Tư vấn phụ huynh để cùng chăm lo cho học sinh, hỗ trợ các trường để kỳ thi diễn ra an toàn.

Kỳ thi năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Theo Bộ GD&ÐT, nếu dịch bệnh bùng phát phạm vi lớn, sẽ tổ chức thêm kỳ thi đợt 2. Ông Nguyễn Hữu Ðộ, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT, cho biết: Việc ra đề thi cho mỗi đợt thi (nếu có) sẽ đảm bảo chất lượng, công bằng. Các địa phương cần rà soát số lượng thí sinh là F0, F1, F2 để chủ động trong công tác tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đảm bảo an toàn, an ninh phòng thi.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết