Hiện nay, các trà lúa hè thu ở huyện Vĩnh Thạnh chín rộ, nông dân tập trung nhân lực, máy móc thu hoạch để tránh bị thất thoát do tác động bởi mưa, bão. Điều đáng mừng là nông dân canh tác vụ mùa này gặp nhiều thuận lợi, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, sâu hại... Nhiều cánh đồng lúa đã thu hoạch đang sẵn sàng cho vụ lúa thu đông 2017.
Thu hoạch rộ lúa hè thu
|
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch lúa. |
Dù những ngày qua thời tiết không thuận lợi, trời mưa lớn, nhưng gia đình ông Trần Văn Hải ở xã Thạnh Thắng vẫn thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Ông Hải vui mừng cho biết: "Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm" nên lúa được mùa, cho năng suất kha khá, chi phí sản xuất lại giảm. Năng suất thu được trên 7 tấn lúa tươi/ha, gia đình rất phấn khởi. Chúng tôi đang tập trung làm đất để sản xuất vụ thu đông cho kịp lịch xuống giống mà ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo".
Hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng đang thu hoạch lúa hè thu và chuẩn bị xuống giống lúa thu đông. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện xuống giống được 25.014,72ha, vượt 2,52% kế hoạch. Đến nay, huyện đã thu hoạch được trên 10.000ha, năng suất lúa tươi bình quân đạt 7,06 tấn/ha. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, để có một vụ hè thu thắng lợi, tránh tình trạng thiếu nước sản xuất, dịch bệnh, sâu hại phá hoại, ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ bà con ứng dụng các biện pháp sản xuất như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp trên đồng lúa... Nhờ đó, chi phí sản xuất của nông dân được giảm xuống, lợi nhuận tăng lên. Đặc biệt, khi lúa bắt đầu cho thu hoạch, bằng việc đẩy mạnh cơ giới vào sản xuất, thu hoạch nên chỉ sau vài ngày nông dân đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa chín, chủ yếu ở các xã, thị trấn Nam Cái Sắn, như: Thạnh Mỹ, Thạnh Quới, Thạnh Lộc... Nhiều hộ đã xuống giống vụ mùa thu đông.
Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nên tiến độ thu hoạch lúa hè thu ở Vĩnh Thạnh rất nhanh. Dự kiến, đến đầu tháng 7, Vĩnh Thạnh sẽ thu hoạch dứt điểm lúa hè thu. Hiện tại, cùng với công tác thu hoạch lúa hè thu, ngành nông nghiệp đã cung ứng đầy đủ phân, giống phục vụ vụ sản xuất lúa thu đông cho bà con. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn, trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông... hướng dẫn nông dân làm đất đúng kỹ thuật, tránh tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ trong quá trình phát triển".
Sẵn sàng vụ lúa thu đông
Theo ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, giá lúa hè thu trên địa bàn huyện hiện ở mức khá cao. Giá thu mua tại ruộng là 4.700-4.900 đồng/kg đối với lúa OM 4218 tươi, 5.200-5.400 đồng/kg với lúa OM 5451... Với giá lúa này, nông dân sản xuất có lợi nhuận khá và tái đầu tư vụ mùa tiếp theo. Để các vụ sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đạt hiệu quả cao, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng chủ động nước tưới tiêu. Đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Thạnh ra quân thực hiện thủy lợi mùa khô, với khối lượng đất nạo vét 76.184m3, đạt 106,4% kế hoạch, kinh phí thực hiện trên 1,3 tỉ đồng; khai thông hàng chục km kênh nội đồng; thực hiện 14 công trình nạo vét kênh, rạch kết hợp xây dựng đê bao, phát triển giao thông, tổng kinh phí trên 10 tỉ đồng... Các công trình trên hoàn thành không những phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với điều kiện trên, vụ lúa thu đông năm nay, huyện Vĩnh Thạnh tiến hành gieo sạ theo từng cánh đồng, phù hợp tập quán sản xuất, khả năng chống lũ của từng đê bao. Vụ này, theo kế hoạch, Vĩnh Thạnh gieo sạ khoảng 17.000ha lúa, phấn đấu năng suất trung bình đạt 5,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 88.400 tấn. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và người trồng lúa. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp, như: bón phân cân đối, kịp thời, đúng lượng theo nguyên tắc 4 đúng; tránh bón dư thừa đạm, bón phân theo bản so màu lá lúa; áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật như IPM, "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", tưới ướt, khô xen kẽ nhằm tiêu độc, sổ phèn... góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất vụ mùa cho nông dân".
Để sản xuất lúa đạt chất lượng và năng suất cao, UBND huyện Vĩnh Thạnh ban hành Kế hoạch số 718/KH-UBND về tăng cường biện pháp hỗ trợ nông dân sản xuất lúa thu đông 2017. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống phải đúng kế hoạch nhằm né rầy, hạn chế dịch bệnh. Đối với các xã Nam Cái Sắn và một phần diện tích lúa vùng Bắc Cái Sắn, tập trung xuống giống từ ngày 5 đến ngày 20-6-2017 để lúa kịp thu hoạch trước khi lũ đạt đỉnh; phần diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn của các xã Bắc Cái Sắn chỉ xuống giống lúa thu đông khi có đê bao đảm bảo an toàn trong mọi tình huống mưa, bão và tập trung xuống giống từ ngày 10 đến 30-7-2017. Các giống lúa gieo sạ cho vụ mùa thu đông có thời gian sinh trưởng trên dưới 90 ngày, như: OM4218, OM5451, nếp. Các vùng đất gò cao, gieo sạ sớm có thể sử dụng giống Jasmine 85, RVT. Đến nay, diện tích xuống giống lúa thu đông ở huyện Vĩnh Thạnh đạt trên 10.000ha. Lúa nẩy mầm và phát triển khá tốt.
Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vĩnh Thạnh canh tác lúa thu đông năm 2017 dựa trên cơ sở cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã, đảm bảo đê bao an toàn tuyệt đối trong tình huống mưa, lũ xuất hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con xuống giống tập trung, đồng loạt từng khu vực đê bao, từng cánh đồng, với cơ cấu giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng tốt để thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý dịch hại, bảo vệ và thu hoạch. Phương châm của huyện là khai thác tài nguyên đất hợp lý, phát triển sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương để đảm bảo sản xuất vụ lúa thu đông hiệu quả, tăng thu nhập cho người trồng lúa trong mùa mưa, lũ...".
Bài, ảnh: HÀ VĂN