30/06/2020 - 06:00

Sẵn sàng cho Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 

Cùng với cả nước, từ ngày 1-7-2020, TP Cần Thơ sẽ triển khai Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 (gọi tắt là Điều tra). Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đã chuẩn bị kỹ và sẵn sàng cho cuộc Điều tra lần này.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: T. TRINH

* Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra lần này?

- Cuộc Điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc Điều tra lần này thu thập thông tin cơ bản về nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nhằm đáp ứng 3 mục đích chính sau:

Thứ nhất, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển nông thôn, nông nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương;

Thứ hai, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025; phục vụ giám sát các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp của Việt Nam và thực hiện so sánh quốc tế;

Thứ ba, cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông nghiệp; xây dựng dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra trong lĩnh vực nông nghiệp và các yêu cầu thống kê khác.

* Thưa ông, cuộc Điều tra bao gồm những đối tượng nào, thời gian thực hiện kéo dài bao lâu?

- Đối tượng điều tra gồm: Lao động của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp và trang trại; điều kiện sản xuất của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp; điều kiện và kết quả sản xuất của trang trại; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn và điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Thời điểm điều tra bắt đầu từ 0h ngày 1-7-2020. Thời gian thu thập thông tin tối đa 20 ngày, kết thúc vào ngày 20-7-2020.

* Điều tra sẽ tập trung vào những nội dung chính nào, thưa ông?

- Nội dung Điều tra tập trung vào 3 nhóm thông tin lớn sau:

Thứ nhất, thông tin thực trạng sản xuất nông nghiệp như: Số lượng đơn vị (hộ, trang trại); ngành sản xuất chính của hộ; loại trang trại; nguồn thu nhập lớn nhất của hộ; quy mô thu nhập của hộ từ sản xuất nông nghiệp. Giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật, việc làm (theo hoạt động, ngành sản xuất), hình thức làm việc (tự làm; nhận tiền công, tiền lương). Đất nông nghiệp và diện tích sản xuất nông nghiệp; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu; số lượng và công suất máy móc thiết bị chủ yếu dùng cho sản xuất nông nghiệp; thông tin về hoạt động trợ giúp cho sản xuất nông nghiệp; thông tin chuyên sâu đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả thông qua 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường.

Thứ hai, thông tin về nông thôn như: Số hộ, nhân khẩu; số hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; thông tin hỗ trợ sản xuất ở nông thôn; thông tin về các hình thức phát triển kinh tế nông thôn;...

Thứ ba, thông tin về cư dân nông thôn như: số hộ dùng điện, số hộ dùng nước máy; số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; số hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; số lượt người khám chữa bệnh tại trạm y tế xã; số lượt người được tập huấn, dạy nghề miễn phí; số hộ vay vốn và nguồn vay ưu đãi;...

* So với trước đây, Điều tra lần này có điểm gì mới thưa ông?

- Đây là cuộc điều tra giữa kỳ, là cuộc điều tra mẫu. So với trước đây, Điều tra lần này áp dụng triệt để công nghệ thông tin ở tất cả các khâu từ lập danh sách địa bàn, lập bảng kê hộ, theo dõi tiến độ điều tra và thu thập thông tin phiếu điều tra.

Điều tra sử dụng 2 phương pháp thu thập thông tin, gồm: Phỏng vấn trực tiếp và tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của cuộc Điều tra. Cụ thể:

Phỏng vấn trực tiếp: Điều tra viên đến từng hộ, trang trại để phỏng vấn, kết hợp quan sát đối tượng điều tra và các tài liệu hiện có để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (áp dụng đối với hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp) và phiếu điều tra trực tuyến được thiết kế trên trang thông tin điện tử (áp dụng đối với trang trại).

Tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử (áp dụng đối với UBND xã): Người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin Phiếu xã (thông thường là công chức Văn phòng-Thống kê xã) được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự điền thông tin vào phiếu điều tra trên Trang thông tin điện tử của cuộc Điều tra.

* Để cuộc Điều tra của thành phố thành công và đạt kết quả tốt, công tác chuẩn bị, triển khai đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Công tác chuẩn bị cho cuộc Điều tra trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, Ban chỉ đạo Điều tra các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền cho người dân và các đối tượng cung cấp thông tin hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra. Bên cạnh đó, tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các điều tra viên, giám sát viên.

Để cuộc Điều tra thành công, chúng tôi mong muốn người dân phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi cho các điều tra viên thu thập thông tin. Đồng thời khi phát hiện điều tra viên không trung thực báo cáo ngay cho cán bộ địa phương, để có biện pháp xử lý. Sự phối hợp tích cực của nhân dân là yếu tố quyết định đến thành công của Điều tra lần này.

* Xin cảm ơn ông!

TUYẾT TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết