19/07/2022 - 08:19

Rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu bệnh nhân đột quỵ 

THU SƯƠNG

Chưa đến 1/4 bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện (BV) cấp cứu, điều trị kịp thời nên phần lớn người bệnh yếu, liệt, không thể hồi phục, trở lại cuộc sống sinh hoạt, làm việc như trước. Các chuyên gia y tế mong muốn BV rút ngắn hơn quy trình cấp cứu đột quỵ; đồng thời, ngành y tế và cộng đồng nâng cao hơn điều kiện chuyển viện, tranh thủ tối đa thời gian vàng, giữ lại sự sống cho não của bệnh nhân.

Người bệnh đột quỵ được hồi phục gần như hoàn toàn sau can thiệp tại BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh do BV cung cấp. 

Bà C.T.N (62 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) ngất xỉu trong nhà vệ sinh, được đưa đến BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh, ê-kíp bác sĩ trực đánh giá người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cấp, đã kích hoạt Code Stroke - quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp. Bệnh nhân lập tức được chỉ định chụp cắt lớp vi tính MSCT sọ não. Kết quả ghi nhận xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình ở vị trí động mạch thông trước. Ðội Code Stroke tiên lượng tình trạng diễn tiến xấu đe dọa tính mạng người bệnh, thống nhất áp dụng phương pháp bít túi phình đã vỡ bằng vòng xoắn kim loại dưới máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA). Ê-kíp can thiệp luồn một ống thông nhỏ từ động mạch đùi đưa lên đoạn mạch não bị tổn thương, tiếp cận túi phình động mạch não và thực hiện nút mạch bít túi phình bằng vòng xoắn Coil dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền. Sau can thiệp một ngày, người bệnh được ngưng thở máy và rút ống nội khí quản, phục hồi gần như hoàn toàn, tỉnh táo, hết yếu liệt và được chuyển nội trú theo dõi. Bệnh nhân đã xuất viện và theo dõi tái khám định kỳ.

Ðây là một trong số hiếm hoi các trường hợp bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời, có thể hồi phục sức khỏe, trở lại cuộc sống bình thường. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, phần lớn người bệnh đột quỵ chậm trễ được cấp cứu kịp thời, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, không thể hồi phục như trước khi mắc bệnh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh, do sự chậm trễ cấp cứu, điều trị nên tỷ lệ bệnh nhân không thể hồi phục như trước khi phát bệnh lên đến 70%. Nhiều người bệnh còn rất trẻ, liệt nửa người hoặc không thể đi lại được, không trở lại làm việc, khủng hoảng tinh thần, trầm cảm kéo dài... Các thống kê cho thấy, bệnh nhân đến được BV sau khi khởi phát bệnh trong vòng 4,5 giờ chỉ chiếm khoảng 14%, đến BV trong vòng từ 4-6 giờ chỉ 9%. Như vậy, chưa tới 25% bệnh nhân có cơ hội được can thiệp điều trị theo quy trình trong giờ vàng.

Tại Việt Nam, mặc dù quy trình cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ tại các BV đã được thực hiện khá tốt, nhưng khâu chuyển bệnh nhân từ nhà đến BV chưa đảm bảo điều kiện an toàn. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, trên 90% bệnh nhân đột quỵ được đưa đến BV 115 bằng xe taxi, chỉ có từ 10% được chuyển bằng xe cấp cứu. Lẽ ra, người bệnh được đón bằng xe cấp cứu 115, sẽ có nhân viên y tế thăm khám ban đầu, ghi nhận thông tin người bệnh, thời gian khởi phát bệnh, đo sinh hiệu, đặt đường truyền tĩnh mạch. Những thông tin đó, sẽ cung cấp trước cho BV, khởi động quy trình cấp cứu, có phương án chủ động khi bệnh nhân vào viện. Các xe cấp cứu chuyên dùng cũng sẽ lựa chọn địa chỉ, đưa người bệnh đến BV có năng lực điều trị gần nhất để được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên hiện nay, thiếu xe cấp cứu 115 đang là vấn đề khó khăn của các địa phương trong cả nước, ngay cả các thành phố lớn. 

“Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói đớ” là những dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Người thân cần đưa người bệnh đến BV có trung tâm điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, tránh chậm trễ. BS CKI Nguyễn Hữu Thái, Trưởng khoa Can thiệp nội mạch - Nội tim mạch, BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, chia sẻ: BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khi tiếp nhận các ca bệnh đột quỵ, Code Stroke sẽ được kích hoạt ngay lập tức. Ðội Code Stroke có 5 thành viên, là các bác sĩ được đào tạo theo các chuyên khoa sâu chuyên biệt nhằm đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh đột quỵ được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất, đảm bảo “giờ vàng” dưới 60 phút từ khi người bệnh được nhập Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.

Thống kê mỗi năm, Việt Nam có trên 200.000 bệnh nhân đột quỵ, riêng tại ÐBSCL khoảng 10.000 bệnh nhân. Tại hội thảo “Tối ưu hóa quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ” - Vai trò của quản lý chất lượng tại Ðơn vị đột quỵ do BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay từ thực tiễn cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ. Theo các chuyên gia, các đơn vị cấp cứu đột quỵ có thể mở rộng cửa sổ thời gian cấp cứu người bệnh, nâng từ 6 giờ đầu sau khởi phát lên tới 24 giờ, để nhiều bệnh nhân hơn được can thiệp, có cơ hội được cứu sống. Vì "thời gian là não", nên sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất của ê-kíp cấp cứu đột quỵ quyết định hiệu quả cao nhất về mặt điều trị và kiểm soát đột quỵ. Song song đó, ngành y tế cần tuyên truyền đến cộng đồng, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn từ y tế cơ sở đến các BV, trung tâm điều trị đột quỵ trong quy trình cấp cứu đột quỵ nội viện và ngoại viện.

Chia sẻ bài viết