01/02/2008 - 22:51

Rực rỡ mai vàng

Cây mai vàng là nét đặc trưng và không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền đối với người dân miền Nam. Ngày nay, bên cạnh những cây mai vườn truyền thống đơn sơ, mai vàng đã được đa dạng hóa phong phú hơn: ghép, tạo thế, tạo dáng... để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người dân phương Nam trong ba ngày Tết.

Mai vàng ghép: thời hưng thịnh

Khoảng năm 2000 trở lại đây, năm nào cũng vậy, cây mai vàng ghép, trồng trong chậu tại chợ hoa kiểng ngày Tết luôn được nhiều người ưa chuộng. Bởi ngoài hình dáng phong phú, cây mai loại này có đặc điểm là thời gian chưng được lâu hơn mai nhánh, nếu chăm sóc tốt có thể dùng được cho những năm sau.

Anh Võ Thanh Điều ở đường Nguyễn Văn Cừ,
TP Cần Thơ. 

Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Võ Thanh Điều ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP Cần Thơ đã có gần 10 năm gắn bó với cây mai ghép. Anh cho biết: “Tôi rất thích cây mai vàng. Trước đây, mỗi lần Tết đến, tôi thường mua mai vườn, bứng trồng trong chậu rồi đem chưng. Nhưng khi trên thị trường xuất hiện cây mai vàng ghép, tôi tìm tòi, nghiên cứu học hỏi và bắt đầu kinh doanh cây mai vàng ghép”.

Theo anh Điều, gốc mai vườn đem ghép với Phú Quý Mai (loại mai từ 10-12 cánh một bông) vài năm nay rất thịnh hành. Vì hoa mai có màu vàng tươi, đẹp, cây có khả năng chống chọi, thích ứng khá tốt với những biến đổi của thời tiết. Từ lúc bắt đầu cắt ghép, một cây mai phải mất gần 3 năm mới có thể đem đi bán ngoài thị trường. Bởi khoảng thời gian này, các nhánh ghép mới đủ độ già, cứng cỏi và mới có khả năng cho nhiều hoa có sắc vàng sặc sỡ, đồng đều.

Hằng năm, khoảng rằm tháng Chạp âm lịch, cây mai vàng ghép từ vườn của anh Điều và nhiều nhà vườn khác có mặt ở chợ hoa Bến Ninh Kiều và đường Hoàng Văn Thụ, tạo nên thị trường mai ghép rất phong phú, đa dạng. Giá mai ghép khá ổn định nên đem lại thu nhập khá cho những người trồng mai. Anh Điều cho biết: “Cũng nhờ mai loại này giá ổn định ở mức cao, nên hàng năm tôi cũng kiếm được từ 50-70 triệu đồng trong mùa Tết”.

Gần 10 năm gắn với cái nghiệp trồng mai ghép, anh Điều chẳng nhớ bây giờ trong vườn nhà mình có bao nhiêu gốc mai, bàn tay anh đã cắt ghép bao nhiêu cây mai vàng. Duy chỉ có điều, mỗi lần Tết đến, nhìn những chiếc xe chở mai từ vườn nhà tỏa ra các tỉnh ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh, anh Điều có một cảm giác lâng lâng, nuối tiếc. Bởi như anh tâm sự: “Tôi đến với cây mai không chỉ vì mục đích kinh tế, mà gắn bó với nó bằng cả đam mê. Mỗi một cây mai đều do chính bàn tay tôi chăm sóc nên ít nhiều cũng có cảm tình. Vì thế không tránh khỏi thấy buồn khi chăm sóc 3 năm chỉ dụng trong ba ngày Tết”.

Mai làm kiểng: đặc trưng riêng

Hồi 23 tuổi, ông Lê Thanh Hương (Tám Hương) ở khu vực 6, phường An Bình, TP Cần Thơ đã “mê” cây mai. Và cũng kể từ thời gian đó đến nay, cái nghiệp bán, ghép, chăm sóc cây mai đã gắn bó với ông gần 30 năm.

 Ông Tám Hương, khu vực 6, phường An Bình, TP Cần Thơ.

Ông Tám Hương cho biết: “Tôi cũng thích cây trâm quýt, cây sộp... làm bonsai, làm kiểng. Nhưng đối với cây mai thì tôi mê số một, vì nó là nét tượng trưng cho Tết ở Nam bộ. Từ già tới trẻ, ai ai cũng muốn sở hữu riêng cho mình một cây mai, một nhánh mai trong ba ngày Tết”.

Để có được những cây mai vườn có dáng ưng ý, ông Tám Hương cũng cực ghê lắm. Tháng nào cũng vậy, ông cùng một số anh em phải lặn lội khắp các tỉnh ĐBSCL, nhất là các vùng nông thôn để sưu tập mai vườn. Những năm trước, khi đường giao thông nông thôn chưa phát triển, tìm một gốc mai vườn to, dáng đẹp không phải là chuyện khó khăn. Còn bây giờ, tìm một gốc mai có dáng chút thôi đã rất khó, có khi bỏ cả tuần săn lùng mà chẳng có cây nào, vì như ông Tám Hương nói: “Đều dồn vô sân vườn của các đại gia hết rồi”. Chính vì thế, ông quyết định gắng giữ cho bằng được cây mai mà ông cho là “độc nhất vô nhị” trong vườn. Ông kể, khoảng 2 năm trước, trong một chuyến “săn lùng” mai ở tận miệt U Minh Thượng, tỉnh Cà Mau, ông mua được một cây mai có gốc và rễ rất to và có hình thù rất kỳ bí. Cây mai này, tính luôn chi phí chuyên chở về vườn đã tốn gần 20 triệu đồng. “Giờ có người tới vườn trả giá lên đến 150 triệu đồng rồi, nhưng tôi không bán. Có lẽ, suốt cuộc đời thu gom mai, tôi khó mà tìm được cây mai dáng đẹp và ưng ý như vậy” - ông Tám Hương khoe.

Nhiều người, nhất là những nghệ nhân hoa kiểng ở Cần Thơ biết đến ông Tám Hương không chỉ vì ông sở hữu được rất nhiều gốc mai đẹp mà còn vì ông là một người tạo dáng mai đại tài. Những gốc mai vườn sần sùi, có gốc rễ lù xù, đan xen, vậy mà, qua bàn tay ông trở thành những cây mai có hồn, có sức sống. Những tác phẩm này, hằng năm đều được ông đem bày bán tại chợ hoa kiểng ở bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đây là điểm tạo nên nét khác biệt của lô mai của ông so với những lô mai cùng bày bán khác: chú trọng nhiều vào dáng mai, cách tạo hình bộ rễ, không quan tâm nhiều vào hoa có nở đúng vào dịp Tết hay không.

Chợ Tết năm 2008, ông Tám Hương trình làng một gốc mai trị giá 45 triệu đồng. Đến ngày 23 Tết, đây là cây mai giá cao nhất được bày bán tại chợ hoa xuân Cần Thơ. Ông Tám Hương cho biết: “Có nhiều người ở An Giang, Bến Tre đã trả giá 40 triệu rồi, nhưng tôi chưa chịu bán. Càng nhìn, gốc mai này càng ưng ý. Bán thì được nhưng cảm thấy tiếc tiếc thế nào ấy”.

Mai vàng lâu rụng Năm Hiếu

Qua cầu Bà Bộ, quẹo vào khu vực ấp Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, chạy dọc theo con đường xi măng là đến Vườn mai Năm Hiếu. Chủ vườn là Phan Văn Hiếu, tên thường gọi là Năm Hiếu. Ngôi nhà của vợ chồng ông nằm gần chính giữa vườn (gần 4.000 gốc mai và nhiều loại cây trồng khác). Cửa chính của ngôi nhà không quay ra lộ mà quay mặt vào trong làm ngôi nhà gần như nằm lọt thỏm giữa khu vườn. Bất kỳ ai thắc mắc về điều này, ông Năm Hiếu chỉ cười rồi nói: “Vợ chồng tôi không thích khung cảnh ồn ào. Không có gì thú bằng khi bước ra cửa, xung quanh mình chỉ toàn bóng mát, toàn cây xanh...”.

Ông Năm Hiếu, ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, TP Cần Thơ. 

Tính luôn đời ông Năm Hiếu thì đã là đời thứ 3 gia đình ông gắn bó với khu vườn, với những cội mai vàng. Tại Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ năm 1995, ông Năm Hiếu được Ban Tổ chức hội chợ tặng bằng khen rồi nhận được giải Bông Lúa vàng của Bộ NN&PTNT vào năm 1997 về công trình mai vàng lâu rụng. Thế là không chỉ nổi tiếng ở ĐBSCL, mai vàng lâu rụng của ông Năm Hiếu nổi tiếng cả ở TP Hồ Chí Minh.

Tết Nguyên đán 2008, những nhánh mai từ vườn mai của ông Năm Hiếu lần đầu tiên có mặt trên thị trường với thương hiệu “Mai vàng lâu rụng Năm Hiếu”. Ông nói: “Sau cả một quá trình tìm hiểu, tới lui của các ngành hữu quan, trong năm 2007 vừa qua, mai vàng lâu rụng của tôi đã có được chứng nhận đăng ký nhãn mác, đăng ký thương hiệu...”. Đây có thể nói là một bước tiến mới của lão nông Năm Hiếu. “Nhưng còn chuyện đăng ký sở hữu trí tuệ, ngành chức năng chưa chịu. Họ bảo những hóa chất xử lý đã có mặt trên thị trường từ rất lâu rồi. Tôi chỉ là người phát hiện ra và vận dụng các hóa chất này để cho mai vàng lâu rụng thôi. Vì thế, không thể chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ được. Tôi là nông dân mà, ngành chức năng nói sao thì nghe vậy. Nhưng nghĩ lại cũng buồn, vì công trình này tôi nghiên cứu cả chục năm trời, cũng đánh đổ mồ hôi, nước mắt... Vậy mà không được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ”. Ông Năm Hiếu bộc bạch.

Năm nay, vợ chồng ông Năm Hiếu đã ngoài 60 tuổi. Dù vậy, như ông nói: “Tôi vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu để tìm ra hóa chất xử lý cho mai vàng lâu rụng không còn quá phụ thuộc vào sự biến đổi của thời tiết. Để làm sao có được những cánh mai vàng ngày càng to đều hơn, tươi thắm hơn”. Nhưng băn khoăn nhất của ông hiện giờ là chưa thể truyền “bí quyết” công trình “mai vàng lâu rụng”. Ông phân trần: “Từ trước đến giờ, vợ chồng tôi tâm niệm: chúng tôi bán nhánh mai không vì thu nhập hay lợi nhuận. Chúng tôi chỉ muốn góp phần đem cái đẹp, cái sắc vàng của hoa mai đến với mọi nhà trong ba ngày Tết. Vợ chồng tôi vẫn còn tìm hậu duệ để truyền nghề xử lý mai vàng lâu rụng...”.

Sáng 29, 30 Tết Mậu Tý 2008, ở góc đường Hoàng Văn Thụ, TP Cần Thơ, vợ chồng ông Năm Hiếu sẽ tất bật với những nhánh mai hoa đã nở vàng rực rỡ, chẳng sợ những cơn gió thổi thốc vào, chẳng sợ những bàn tay người mua săm soi, rung cành rụng cánh...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết