23/11/2015 - 22:02

Rộng mở cơ hội hợp tác cho đất “Chín Rồng”

Chương trình Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam-Nhật Bản tại TP Cần Thơ năm 2015" lần đầu tiên được tổ chức tại ĐBSCL vừa kết thúc. Chương trình thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp (DN) trong vùng, nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Singapore, Anh và Thụy Sĩ đăng ký tham gia chương trình để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Từ đây mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư giữa các địa phương trong vùng với các nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí.

Cơ hội giao lưu, quảng bá sản phẩm

Chương trình Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam-Nhật Bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 19 đến 21-11-2015. Trong khuôn khổ chương trình, các DN vùng ĐBSCL và doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia trưng bày sản phẩm tại công viên Lưu Hữu Phước (quy tụ hơn 70 gian hàng), nhằm giới thiệu nhiều sản phẩm trong lĩnh vực như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, công nghiêp phụ trợ, nhà hàng khách sạn, tư vấn thương mại dịch vụ, thực phẩm-ẩm thực, tiêu dùng, may mặc, giáo dục, du học, việc làm... Ông Lương Đình Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Tinh Hoa Toàn Cầu, cho biết: "Tinh Hoa Toàn Cầu là đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm từ Nhật Bản như rượu sake, táo Fuji, thịt bò Nhật, xúc xích, thịt nguội Nhật... Ẩm thực Nhật liên quan rất nhiều đến yếu tố văn hóa và được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn lựa nguyên liệu, quy trình kiểm soát chất lượng, đồng thời thể hiện sự tinh tế trong cách chế biến, trình bày, thưởng thức. Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại lần này, công ty tham gia giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực của Nhật Bản đến với người dân vùng ĐBSCL với mong muốn kết nối 2 nền văn hóa Việt Nam-Nhật Bản và mang đến cho người tiêu dùng ĐBSCL những sản phẩm tinh tế và chất lượng cao đến từ Nhật Bản".

Sản phẩm dầu cám gạo và các sản phẩm chăm sóc da được Công ty Tsumo (Nhật Bản) trưng bày, giới thiệu tại chương trình giao lưu.

Bà Tsi Mayuazawa, Trưởng Văn phòng đại diện của Công ty Tsuno (Nhật Bản) tại Việt Nam, cho biết: "Công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm được chiết xuất và tinh chế từ cám gạo như dầu cám gạo, các sản phẩm chăm sóc da. Công ty đặt văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2014 để tiến hành khảo sát thị trường, tìm nhà phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Đến TP Cần Thơ lần này, các sản phẩm trưng bày của Tsuno nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ khách hàng. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ tìm được nhà phân phối tại ĐBSCL để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng". Theo kế hoạch, các sản phẩm của công ty Tsuno sẽ được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam vào năm 2016. Theo đó, công ty cũng đang khảo sát đặt nhà máy sản xuất tại ĐBSCL để tận dụng nguồn nguyên liệu cám gạo dồi dào tại đây.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, qua 3 ngày tổ chức, chương trình đã thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan từ TP Cần Thơ và nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Người dân TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có cơ hội hiểu thêm về những nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản qua nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật, múa hát, võ thuật, chiếu phim, trà đạo... Lưu Tường Vi, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, chia sẻ: "Chương trình giao lưu lần này đã giúp em hiểu thêm về nền văn hóa Nhật Bản, con người Nhật Bản. Các sản phẩm trưng bày tại đây rất phong phú và đa dạng, các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi. Em mong muốn có thêm nhiều chương trình giao lưu văn hóa và thương mại như thế này được tổ chức thường xuyên tại TP Cần Thơ để có thể tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau chứ không chỉ riêng Nhật Bản".

Kết nối đầu tư

Không chỉ kết nối về văn hóa, thương mại, chương trình giao lưu lần này còn tập trung vào mục tiêu kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các địa phương, DN vùng ĐBSCL. Trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị Đầu tư vào ĐBSCL Thường niên lần thứ 3 do VCCI Cần Thơ phối hợp với Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch vùng ĐBSCL (gọi tắt là Mekong PC đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo địa phương, các Trung tâm xúc tiến đầu tư, DN từ 13 tỉnh, thành trong khu vực, trên 90 khách quốc tế; trong đó DN Nhật Bản chiếm trên 50%, DN Hàn Quốc gần 20%, còn lại là các tổ chức quốc tế, các DN đến từ Mỹ, Đức, Singapore, Anh và Thụy Sĩ.

Theo VCCI Cần Thơ, Hội nghị Đầu tư vào ĐBSCL được đánh giá cao so với 2 năm vừa qua cả về khâu tổ chức lẫn nội dung. Các nội dung trình bày tại hội nghị đều bám sát thực tế, phân tích cụ thể các nguồn lực tại ĐBSCL và tập trung phân tích các định hướng đầu tư vào vùng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và công nghệ thông tin. Song song đó, Hội thảo kết nối giữa DN quốc tế với chính quyền và DN các tỉnh ĐBSCL đã tạo cơ hội để các tỉnh thành trong khu vực giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách hỗ trợ đầu tư đến các DN. Ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Tại hội nghị đầu tư và hội thảo kết nối, đoàn DN Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư với các tỉnh ĐBSCL về du lịch, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và xây dựng. Về phía đoàn DN Đức,Thụy Sĩ đánh giá cao về TP Cần Thơ và cho rằng đây sẽ là địa điểm đầu tư hấp dẫn về công nghệ thông tin trong vài năm tới. Từ những kết quả này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới để chương trình có thể trở thành sự kiện thường niên, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước Việt - Nhật và là nơi gặp gỡ trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư giữa các DN trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy nền kinh tế ĐBSCL trong thời gian tới"...

Theo ý kiến của nhiều DN, tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến ĐBSCL nhiều hơn, các địa phương cần tập trung vào những điểm mạnh, phải chỉ ra những điểm yếu và cam kết hoàn thiện. Có như vậy, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và sẵn sàng đặt niềm tin vào vùng đất này. Theo ông Manabu Takahashu, Chuyên gia của Tổ chức Kết nối Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, người Nhật khi muốn đầu tư vào nơi nào sẽ tìm hiểu thật kỹ thông tin về nơi đó. Đôi khi quá trình điều tra tìm hiểu thông tin diễn ra chậm, mất nhiều thời gian. Nhưng một khi DN Nhật quyết định đầu tư thì sẽ không đầu tư ngắn hạn mà còn duy trì qua nhiều thế hệ và dốc toàn tâm toàn lực đầu tư vào lĩnh vực đã lựa chọn. Do đó, cần có thêm nhiều hội nghị để các DN Nhật Bản và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về các lĩnh vực có khả năng bắt tay hợp tác. Một khi gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp DN 2 bên thấu hiểu nhau hơn và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết