28/01/2022 - 18:21

Rộn ràng xóm nghề làm mứt Tết 

Ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, có nhiều xóm nghề làm mứt Tết, rộn ràng mỗi dịp cuối năm. Những món mứt Tết thơm lừng, ngọt ngào được làm từ bàn tay của những người thợ tài hoa đã góp hương vị cho ngày Xuân thêm đậm đà.

Anh Gian bên mẻ mứt chùm ruột ướp đường, chuẩn bị sên. Ảnh: DUY KHÔI

Nhà anh Trần Thanh Gian, ngụ xã Ðông Bình, thị xã Bình Minh, những ngày cuối năm rộn ràng và bận rộn không ngơi tay. Ai cũng bất tật với công việc phơi mứt, sên mứt, gói mứt, đóng gói sản phẩm… để kịp cung ứng ra thị trường.

Anh Gian kể, anh học nghề làm mứt từ một người chị và theo nghề đã 20 năm. Ban đầu, chỉ học và biết nghề làm mứt chuối nhưng rồi nhờ chịu khó học hỏi, nghề dạy nghề, bây giờ anh Gian đã tạo lập nên một cơ sở làm mứt ngon có tiếng, làm ra 6 loại mứt được khách hàng ưa chuộng là mứt gừng, bưởi, mãng cầu, me, chùm ruột, chanh dây. Theo anh Gian, để làm mứt ngon thì khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào là rất quan trọng. Ví dụ như mãng cầu thì phải chọn loại già, chín cây để đảm bảo chất lượng. Mãng cầu cũng cần độ ngọt vừa, không quá ngọt mà cũng không quá chua, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðối với bưởi thì chọn bưởi già, đừng để bưởi chín quá vỏ sẽ bị xốp, nhưng nếu bưởi non quá thì vỏ lại bị the. Hiện nay, khách hàng ưa thích các mặt hàng mứt ngọt vừa, còn giữ độ chua tự nhiên. Mứt Tết của cơ sở anh Gian được tiêu thụ tại những khu vực chợ lân cận, TP Cần Thơ và một số địa phương ÐBSCL.

Thông thường mùa mứt Tết bắt đầu khoảng tháng 9 âm lịch và kết thúc vào khoảng ngày 26-27 Tết nhưng nhộn nhịp nhất là từ cuối tháng 11 âm lịch đến Tết. “Mấy năm trước, cơ sở tôi mỗi năm làm ra khoảng 10 tấn sản phẩm, năm nay do tình hình dịch COVID-19 nên đã giảm khoảng một nửa”, anh Gian nói.

Ở thị xã Bình Minh, có nhiều xóm nghề làm mứt, tập trung ở các xã, phường: Cái Vồn, Thuận An, Ðông Bình… Trong đó, món mứt me Cái Vồn đã nổi tiếng từ xưa, làm nên thương hiệu cho một món mứt dân gian của xứ sở miệt vườn. Ven tuyến lộ Rạch Gai, phường Cái Vồn, có xóm nghề làm mứt cũng rộn ràng vào dịp cuối năm. Theo chị Huỳnh Thị Kiều Trâm, người dân xóm nghề, để chuẩn bị cho vụ mứt Tết, gia đình chị ngay từ giữa năm đã tìm đến nhà vườn trồng me, chùm ruột để chọn và đặt cọc. Ðến khoảng tháng 9 âm lịch thì đến thu hoạch về chế biến mứt. Nếu mua me trái cả cây, gọi là mua “me đứng”, thì giá chừng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi cây, tùy độ lớn và sai trái của cây; còn nếu mua ký thì giá dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg, tùy năm. Tết này, chị Trâm làm số lượng mứt me khá nhiều, cung ứng cho tiểu thương ở TP Cần Thơ.

Các xóm nghề làm mứt ở Bình Minh nay đã giảm số lượng bà con làm nghề rất nhiều vì công chế biến cực, giá cả và đầu ra không ổn định lại bị cạnh tranh bởi thị trường bánh mứt công nghiệp. Dù vậy, vẫn còn nhiều người tâm huyết giữ nghề truyền thống, bếp lò làm mứt vẫn đỏ lửa dịp cuối năm để đem đến cho khách hàng dư vị ngọt ngào trong ba ngày Tết.

Anh Trần Thanh Gian cho biết, nghề làm mứt cực lắm, dù công việc không nặng nề nhưng quần quật từ sáng đến tối. Do mứt làm hoàn toàn thủ công nên đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ. Ðể kịp cung ứng số lượng mỗi ngày vài trăm ký mứt, anh Gian huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm 5 nhân công. Với giá bán mỗi ký mứt 120.000-150.000 đồng/kg, tùy loại, ngay tại lò, cơ sở của anh có thu nhập khá và tạo việc làm cho bà con lúc nhàn rỗi.

Cuộc sống phát triển, dù cho nhiều người ăn Tết hiện đại đến mấy thì vẫn không thể thiếu dĩa bánh mứt cho ngày xuân. Một miếng mứt ngon sẽ làm câu chuyện ngày Tết thêm ngọt ngào, thú vị hơn. Những xóm nghề làm mứt ở miệt vườn Bình Minh vẫn lặng thầm gìn giữ hương vị ngọt ngào đó.

DUY KHÔI - DUY TÂN

Chia sẻ bài viết