31/12/2018 - 19:33

Rèn kỹ năng, thêm thành công 

Các trường cao đẳng ở Cần Thơ gần đây tổ chức nhiều hoạt động rèn kỹ năng mềm cho học sinh sinh viên (HSSV), hướng đến trang bị thêm một hành trang để giải quyết hiệu quả việc làm cho người học sau tốt nghiệp.  

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trả lời câu hỏi tình huống mà diễn giả ở FPT Telecom đặt ra. Ảnh: B.Kiên
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trả lời câu hỏi tình huống mà diễn giả ở FPT Telecom đặt ra. Ảnh: B.Kiên

"Nếu như cấp trên của bạn yêu cầu bạn phải làm việc với một đồng nghiệp vô cùng khó chịu, mà ai ai cũng “né” hợp tác. Hoặc là người khó chịu này lại là cấp trên của mình. Bạn sẽ cư xử như thế nào?”, anh Đinh Tiến Thịnh, giảng viên Trung tâm Đào tạo FPT Telecom đặt câu hỏi với các HSSV năm cuối, tại buổi tọa đàm về chủ đề  “Giao tiếp hiệu quả nơi công sở”, do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ vừa tổ chức, đã làm “nóng” hội trường. Nhiều ý kiến HSSV đưa ra, từ ôn hòa đến cả giải pháp thôi việc… 

Câu hỏi đặt ra tưởng chừng như đơn giản, song cũng giúp những người tổ chức giao lưu nhận thấy cách suy nghĩ của giới trẻ ngày nay rất khác. Các bạn cho rằng, làm việc quá căng thẳng thì dừng lại, bởi sẽ còn nhiều cơ hội để tìm việc mới. Tuy nhiên, anh Đinh Tiến Thịnh đưa ra quan điểm: “Nếu như nghỉ việc khi gặp trường hợp trên, thì đó là giải pháp dễ dàng nhất. Nếu bạn bám trụ và giải quyết tốt công việc, sẽ chứng minh được bản lĩnh và thành công”. Bằng những dẫn chứng cụ thể trong câu chuyện của nhiều doanh nhân thành đạt, anh Đinh Tiến Thịnh khiến HSSV thay đổi quan điểm buông bỏ. Bạn Đỗ Tấn Phát, sinh viên ngành Công nghệ thông tin của trường, cho biết: Buổi tọa đàm rất bổ ích vì đã cung cấp kiến thức thực tế, kỹ năng tìm việc cho chúng tôi, giúp tôi tự tin hơn trong giao tiếp, định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để vững tin tìm việc sau khi ra trường. Năm 2019, Phát nhận bằng tốt nghiệp, nên đây còn là dịp để cọ xát với doanh nghiệp để tìm việc đúng nguyện vọng.

Theo các nhà tuyển dụng, để có cơ hội việc làm cao, bên cạnh chuyên môn, người lao động còn phải đam mê, định hướng, mục tiêu rõ ràng và quan trọng hơn có tinh thần lập thân lập nghiệp. Đó là lý do mà thời gian gần đây Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động này. Như chương trình giao lưu “Hành trình lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc”, do trường phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức cuối tháng 12 vừa qua, nhiều HSSV đã ngồi kín hội trường 500 chỗ, để nghe đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend nói về sự thành công của những doanh nhân trẻ, hướng đi riêng của Tập đoàn. Nguyễn Minh Nhật, sinh viên ngành Công nghệ thông tin của trường, hào hứng chia sẻ: Dù mới năm nhất nhưng Nhật luôn tranh thủ sau giờ học để dự các buổi tiếp xúc doanh nghiệp, để có định hướng lập nghiệp và quyết tâm thực hiện điều đó. Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Thông qua chương trình sẽ khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV”. Trường hiện có trên 5.000 HSSV theo học 18 ngành; tỷ lệ HSSV của trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp trên 94%.

Giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp sẽ góp phần tích cực thu hút tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo. Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ liên tục tổ chức nhiều sự kiện giao lưu, tọa đàm với doanh nghiệp. Cuối tháng 12 này, Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực - HaUI (thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương Mại và Xây dựng Hải Phong đã trực tiếp đến trường để giao lưu với HSSV. Mỗi đơn vị đều có lĩnh vực hoạt động, kinh doanh riêng, nhưng đều chung tay tiếp sức khởi nghiệp cho HSSV, thông qua các chương trình du học và làm việc tại các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan). Theo ông Hà Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty Hải Phong, mỗi năm, công ty cần 500-700 nhân sự cho ngành công nghệ ô tô. Cơ hội việc làm của HSSV rất lớn. Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Để hỗ trợ, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp, trường đã kết nối với các doanh nghiệp để giao lưu với các em. Thông qua chương trình trên, HSSV có nhu cầu xuất khẩu lao động có thể dễ dàng nắm bắt thông tin, hiểu hơn về sinh hoạt, học tập và làm việc tốt nơi xứ người”. Hằng năm, trường có khoảng 400-500 HSSV tốt nghiệp ra trường; trong đó, trên 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp; đặc biệt có một số ngành hàn, cắt gọt kim loại có tỷ lệ 100%.

****

Các nhà tuyển dụng cho rằng hạn chế của hầu hết HSSV hiện nay vẫn là mục tiêu nghề nghiệp chưa rõ ràng, thiếu kỹ năng mềm, nên đòi hỏi có sự nỗ lực của HSSV và phương pháp đào tạo ở các trường. Do đó, bên cạnh đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo, một số trường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tổ chức khóa học miễn phí về “Kỹ năng thành công cho thanh niên”, tổ chức Ngày hội việc làm, giao lưu với doanh nghiệp... để trang bị thêm cho người học những kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 

B.Kiên

Chia sẻ bài viết