Bút ký * ĐẶNG DUY KHÔI
Chắc hẳn những người từng gắn bó với vùng đất phèn mặn của ĐBSCL sẽ thắc mắc ngay: rau choại thì làm gì có bông mà trổ! Tôi nói vậy là bởi từ một loài dây leo mọc trong rừng hoang, rẫy bái nay đã trở thành đặc sản miền Tây, là nguồn mưu sinh và giúp đổi đời bao phận người cơ cực. Người nâng niu dây choại, choại chẳng phụ lòng người mà bung xòe những cọng ngó non tơ. Cứ thế, bông vẫn trổ trên đất nghèo, dù không khoe hương, khoe sắc.
Nghề mới
Con đường Kinh Năm dẫn từ TP Vị Thanh đi vùng Hốc Hỏa, Hỏa Tiến của tỉnh Hậu Giang và thông qua vùng Gò Quao (Kiên Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu) mùa sa mưa đầy rau choại. Choại mọc xen trong đám lá dừa nước, rừng tràm, rẫy khóm hay những mảnh đất mới vừa khai hoang. Nước mưa gột rửa đất phèn, tưới mát ruộng đồng và giúp những đám rau choại xanh mướt như thảm nhung. Ven mé đường, những xề rau choại mập mạp, non mượt của bà con dành bán cho khách đi đường cứ san sát nhau nhưng quá trưa thì thưa dần vì rất hút hàng.
Anh Tư Phó chăm sóc rẫy rau choại hơn 2 công đất của mình. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Trong câu chuyện với một người phụ nữ ven đường đoạn Hốc Hỏa, thuộc ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, chị cho biết nhiều hộ dân vùng này đã trồng rau choại trong rẫy nhà mình để hái bán hằng ngày. Tôi, với xuất xứ "rặt phèn mặn", bất ngờ đến đỗi không tin vì ai lại trồng
cỏ hoang. Vậy là tôi tìm đến nhà anh Tư Phó, một "đại gia rau choại" ở đây. Trong cơn mưa lâm râm ban sáng, vợ chồng Tư Phó vẫn tỉ mẫn hái rau choại trong miếng rẫy hơn 2 công đất của mình. Vừa hái, anh Tư Phó vừa cầm cù nèo đè rau choại xuống- gọi là "hạ táng" để rau choại mọc ngó nhiều mà không cao quá tầm với. Hỏi chuyện trồng rau choại, Tư Phó cười khì: "Ba năm trước, người ta nói tui khùng không đó chớ. Ai đời đất khóm đang ngon, đi đốt bỏ, bứng dây choại về trồng rồi tưng tiu như loài cây quý". Chị Tư Phó đang hái rau choại, nói vô: "Có người ác ý còn nói vợ chồng tui làm biếng, phá rẫy đặng ở không!".
Mời khách vào nhà, khẽ khàng móc cù nèo lên vách, anh Tư Phó cho biết, hồi trước, gia tài chỉ có 5 công đất, 2 con đang tuổi ăn học nên anh phải đi làm mướn quanh năm. Hết vác đường ở nhà máy rồi đi móc đất sình, cắt lúa
, quần quật chẳng được nghỉ ngơi mà nghèo lại hoàn nghèo. Cách đây 3 năm, thấy rau choại bán được, chị Tư Phó mỗi ngày vô rừng hái vài ký để ven đường bán. Từ đó, Tư Phó nhen nhóm ý tưởng trồng choại thay khóm. Sau 1 năm trồng, rẫy choại của anh Tư đã cho thu hoạch, kéo dài suốt 2 năm nay. Mỗi ngày, anh Tư Phó hái từ 10-30kg, với giá bán từ 20-25 ngàn đồng/kg, cho thu nhập ổn định trên 200 ngàn đồng/ngày. Rau choại của anh ngó "mập ú", xanh mượt nên rất hút hàng, bạn hàng từ chợ Vị Thanh và các vùng lân cận đặt hái không xuể. Tay cầm tay gỡ những lớp mủ choại dính móng, anh Tư Phó khề khà với tôi rằng: "Giờ, chắc người ta bớt nói tui khùng rồi". Chị Tư thì nói như reo rằng hai đứa con được bằng bạn bè, ngôi nhà tường khang trang cất chưa lâu cũng nhờ rau choại. Đôi vợ chồng tuổi ngoài 40 đã có cơ ngơi khang trang, cười đắc chí khi nói về chuyện "đổi đời" trong ánh mắt lấp láy hạnh phúc trên gương mặt hằn những nét cần cù.
"Choại chột thì chấm nước tương" câu ca xưa giờ là món ăn đặc sản miền Tây. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Ở xứ Kinh Năm này, một "đại gia rau choại" khác là Bảy Khôi mà hễ ai hỏi nhà, bà con mặc nhiên hỏi lại: "Phải Khôi rau choại hôn?". Tiếc rằng, hôm tôi đến, vợ chồng anh Bảy Khôi đi bỏ mối rau choại chưa về. Tôi cũng chỉ kịp ngắm nghía 5 công rau choại của Bảy Khôi, lên liếp thẳng tắp, chăm sóc kỹ lưỡng trong từng luống trồng, lối đi rồi đưa ánh nhìn vào bên trong ngôi nhà ven bên con rạch nhỏ, tuy không bề thế nhưng đầy đủ tiện nghi. Hỏi ra mới biết, ngoại trừ một vài hộ như Bảy Khôi, Tư Phó
trồng rau choại trên rẫy kiểu "quy hoạch" thì ở vùng Kinh Năm này, ai cũng trồng theo kiểu từ những đám choại mọc trong đất nhà mình, thay vì phát bỏ như trước đây thì rải phân, tưới nước để hái đọt bán hằng ngày. Người ít thì mỗi ngày 1-2kg, người nhiều thì 5-7kg, cho thu nhập "đủ tiền cơm, cá, gạo, muối", theo cách ví von của bà con.
Từ những đám rau choại, một nghề mưu sinh của người dân miệt Hậu Giang đã ra đời, đó là hái rau choại. Chị Út Đào, người dân Kinh Năm, Hỏa Tiến, kể, phụ nữ miền quê, nông nhàn không biết làm gì nên đi hái rau choại bán, kiếm vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày phụ chồng con. "Địa bàn hoạt động" của chị Út Đào là những cánh rừng tràm, đám lá dừa nước phía xa con kinh Thủy Lợi, tờ mờ sáng là chị đã xách giỏ vào rừng. "Có những đám choại ngó mọc non nhớt, rộ hết trơn nên hái thấy ham lắm"- Út Đào cười toe toét. Nghe Út Đào kể, cô Năm Thảnh, lối xóm, ngồi kế bên, góp lời: "Nói vậy chớ cũng nhiều "tai nạn nghề nghiệp" lắm, nào là ong chích, vắt lá đeo, gặp rắn, rết hay đạp gai
Nhưng không sao, nông dân mà, quen rồi!".
Món ngon, niềm nhớ
Miệt Kinh Năm, tôi có quen lão nông Bảy Buôl, 81 tuổi, dân cố cựu của vùng đất này. Ghé nhà hỏi ông về chuyện rau choại "lên đời", ông bắt tay tôi cười khà khà mà rằng: "Phải ăn đọt choại thì mới nói chuyện đọt choại ngon lành được". Vậy là ông lão vác cần câu đi, không lâu sau một con cá vồ gần 3kg đã mắc câu. Ông nói với nàng dâu Út nấu lẩu chua, nhúng rau choại đãi khách. Đưa cay bằng rượu đế do chính tay bà Bảy nấu, ông Bảy trần tình rằng, vùng này ra tới sông Cái Lớn đi Ba Đình, Đầu Lộ, Xáng Cụt (những địa danh tiếp giáp Kinh Năm- PV), hồi xưa dây choại mọc không sao tả xiết do đây là loại thực vật phù hợp với đất trũng phèn. "Hồi xưa, họa hoằng, cực ăn lắm người ta mới hái rau choại chấm chao, chấm tương ăn chớ đâu có ưa dữ thần như bây giờ"- già Bảy gắp đũa rau choại nóng hổi mời khách, kể. Theo già Bảy, ngày xưa, choại chỉ được ruồng bỏ để lấy dây. Những năm 1945, do đinh, dây chì rất hiếm, thậm chí là không có, nên dây choại được dùng để buộc cột kèo, rui, mè, cất nhà. Cũng thời gian đó, người dân vùng này hay róc dây choại, bó lọn chở bằng ghe tam bản lên miệt Long Xuyên bán lại cho người ta dùng bện lọp, hom bắt cá. Nhưng nhiều năm sau đó, bà con phải ruồng, đốt choại để khẩn hoang, lên liếp làm rẫy. Bởi vậy, nghe tôi kể chuyện dân xứ này phá khóm trồng choại, già Bảy gật gù: "Ai mà ngờ hén!".
Dọc đường thăm thú "thiên đường" rau choại miệt Hậu Giang, tôi nhẩm tính như vầy: cứ cho trung bình mỗi ngày Tư Phó bán ra 20kg rau choại, 2 năm qua anh đã bán 14.600 kg rau. Đó là một con số khó tin bởi vùng này, ngoài Tư Phó, hàng trăm hộ dân khác vẫn bán rau choại đều đều thì con số sẽ tăng gấp nhiều lần. Một phép tính nhỏ như vậy để thấy rằng, rau choại thực sự lên đời. Nhiều người dân Hậu Giang nói với tôi rằng, giờ đám tiệc đãi lẩu, nhất là lẩu mắm và lẩu chua, mà thiếu rau choại thì được cho là chưa "sành điệu". Nồi lẩu sôi nghi ngút, những nắm rau choại non nõn nhúng vào rồi vớt ra nhai giòn rụm, vị ngọt lan dần nơi đầu lưỡi; và với ai xa xứ, mớ rau ấy còn thoang thoảng mùi của quê hương, của niềm nhớ
Nghe lời lão nông Bảy Buôl kể, tôi bỗng chạnh lòng khi rượu chưa kịp mềm môi vì dường như mình cũng có một ký ức rau choại như thế. Thời đói khổ miệt Ba Đình mà ông Bảy nhắc tới, nhà tôi ở đó, cũng nhờ những ngó rau choại "cho rồi bữa cơm". Rau choại luộc, mẹ tôi không bỏ nước mà dạo vào đó ít mắm sặc rồi nêm nếm vừa ăn để làm canh. Bữa cơm nghèo có vậy thôi mà ngon đến tận bây giờ. Bởi vậy, nghe chuyện bà con Hậu Giang mưu sinh từ dây choại, tôi nghĩ, một loại cỏ dại ưa mọc vùng đất phèn, chát chúa, khó diệt, một thời là nỗi khốn đốn của nhà nông nay có mặt trên bàn tiệc sang trọng như là "món ngon mùi nhớ". Vả lại bây giờ, sơn hào hải vị nhiều nhưng người ta không an tâm vì thấy đâu cũng toàn chất độc nên thứ rau choại được xem là rau sạch- sạch đúng nghĩa đen vì không cần bất kỳ một loại phân, loại thuốc nào.
Nghĩ đến đây, tôi nhớ lời anh Tư Phát, người dân gốc Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tâm tình với tôi rằng, hóa ra, lúc nào đó trong cuộc đời, người ta cũng nhớ da diết chái bếp ban chiều, nhớ cái sàn làn dưới mé sông và nhớ dĩa choại luộc nóng hổi. Đôi khi, người xa xứ, người thị thành, mua rau choại ăn không đơn giản vì vị ngon mà còn là nỗi niềm tìm lại thời ký ức đã qua, tìm lại dĩ vãng ngày cũ, cồn cào hơn cả cơn đói khi rau choại dạo mắm ngát hương.
* * *
Chia tay Hậu Giang, chia tay nụ cười đôn hậu của vợ chồng anh Tư Phó và chia tay những rẫy choại bạt ngàn phía cuối sông đầu bãi, tôi cứ mãi miên man về ý chí và bổn tính dễ thích nghi của người và đất nơi đây. Cảm ơn người Hậu Giang đã khơi sức sống cho một loài rau sạch, lay dậy nỗi niềm về miền Tây xa xăm ký ức. Đường Kinh Năm có gió rì rào, mấp máy trong tâm trí tôi mấy câu ca xưa cũ:
"Rủ nhau lên đất bảy làng
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm".