05/09/2024 - 09:45

Rà soát, đề xuất hủy bỏ các đồ án quy hoạch chi tiết không còn phù hợp 

Ban Đô thị, HĐND thành phố, vừa tổ chức giám sát công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/5000 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các quận trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy trong quá trình tổ chức triển khai QHPK còn thiếu đồng bộ giữa các ngành, sai lệch tọa độ, bản đồ QHPK chưa phù hợp với thực tế... ảnh hưởng đến việc chuyển mục đích sử dụng đất của người dân…

Ban Đô thị của HĐND thành phố giám sát và làm việc với Sở Xây dựng thành phố và các đơn vị liên quan.

Qua 4 năm triển khai thực hiện QHPK tỷ lệ 1/5000 tại các quận giúp khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng lên. Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: “Sở Xây dựng đã cơ bản hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án QHPK tỷ lệ 1/5000 các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và một phần diện tích của quận Ô Môn. Sở Xây dựng đã ban hành 8 văn bản gửi UBND các quận tổ chức công bố, công khai đồ án QHPK. UBND các quận đã tổ chức công bố, công khai quy hoạch, rà soát, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt”.

Theo nhiều đại biểu trong đoàn giám sát, QHPK được xem là công cụ để địa phương quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, việc QHPK tại một số địa phương còn hạn chế nhất định. Ông Vương Công Khanh, Chủ tịch HĐND quận Cái Răng nói: “Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện QHPK, quận Cái Răng đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội và bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian thực hiện QHPK quá lâu, một số dự án sẽ không còn phù hợp với thực tế của địa phương, một số dự án không có nguồn lực đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch”.

Đoàn giám sát cũng ghi nhận việc thực hiện QHPK 1/5000 tại các quận còn tồn tại những hạn chế: công tác cắm mốc giới các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sau khi được phê duyệt vẫn chưa thực hiện đồng bộ; một số khu đất cơ quan theo QHPK có diện tích lớn hơn so với thực tế quản lý; chưa thống nhất về ký hiệu loại đất, hệ tọa độ, tên gọi giữa hệ thống các bản đồ của ngành xây dựng và đất đai, gây khó khăn trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất… Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, đề xuất cần điều chỉnh lộ giới một số tuyến đường chưa phù hợp với thực tế quản lý của địa phương; điều chỉnh, cập nhật các bản đồ kiến trúc cảnh quan và bản đồ sử dụng đất của QHPK đảm bảo thống nhất về chức năng sử dụng đất, đồng thời điều chỉnh tọa độ các tuyến hẻm chồng lấn với đất của người dân... Sau khi thực hiện điều chỉnh đồng bộ sẽ giúp các địa phương quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng theo quy định.

Tại quận Ô Môn, đoàn giám sát nhận thấy quận chỉ mới thực hiện QHPK giai đoạn 1, diện tích 1.619ha, chiếm khoảng 12% diện tích toàn quận. QHPK giai đoạn 2 có diện tích khoảng 11.573ha, đang được các cơ quan chức năng thành phố hoàn thiện quy hoạch trình UBND thành phố xem xét. Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Do QHPK chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến việc địa phương thiếu công cụ quản lý về quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng… Tôi đề nghị UBND thành phố xem xét cho quận Ô Môn lập đồ án QHPK tỷ lệ 1/2000 đối với giai đoạn 2 để rút ngắn thời gian thực hiện QHPK và tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho địa phương quản lý quy hoạch đô thị tốt hơn trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan tham mưu, địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc lập, thẩm định và phê duyệt QHPK đôi lúc chưa hiệu quả, dẫn đến khi triển khai phát sinh sai sót về mặt kỹ thuật; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan theo QHPK được duyệt chưa được quan tâm đúng mức. Ông Trần Văn Đạt, Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND thành phố, nói: “Qua giám sát QHPK 1/5000 tại các quận, còn nhiều công trình, dự án vi phạm trong xây dựng. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để kịp thời phát hiện và xử lý đúng quy định của pháp luật”. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Đô thị của HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp UBND các quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện QHPK tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn thành phố và xem đây là công cụ để các địa phương quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng theo quy định. Đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh các đồ án QHPK khu 1/5000 tại các quận cho phù hợp điều kiện thực tế và đúng với quy định pháp luật; tiếp tục rà soát và đề xuất hủy bỏ các đồ án quy hoạch chi tiết không còn phù hợp với địa phương. Đề nghị Sở Tư pháp và Sở Xây dựng thành phố phối hợp rà soát lại những bất cập các văn bản của Trung ương để tổng hợp và tham mưu UBND thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương thực hiện tốt QHPK tỷ lệ 1/5000 trong thời gian tới.

Bài, ảnh: T.T

Chia sẻ bài viết