30/04/2023 - 07:41

Quyết liệt triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, ngày 11-3-2023, của Chính phủ, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BÐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngành Ngân hàng đã thể hiện sự vào cuộc nhanh chóng triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người dân sớm tiếp cận nguồn vốn từ chương trình này, đòi hỏi sự phối hợp kịp thời, đồng bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và các địa phương.

NHNN khẳng định quan điểm không siết tín dụng BÐS và có sự kiểm soát những phân khúc rủi ro. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ nhìn từ trên cao.

Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN để triển khai Nghị quyết. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết: Ngày 24-4-2023, NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BÐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BÐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/ BÐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ, BÐS làm giá, lũng đoạn thị trường BÐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/ nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo.... Bên cạnh đó, các TCTD cần cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BÐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn. Kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án BÐS trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án.

Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng để chỉ đạo các NHTM, trong đó chủ lực là 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các NHTM ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ. Ðối với chương trình 120.000 tỉ đồng, NHNN đã triển khai tích cực và có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1-4-2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.

Ðể phối hợp cùng NHNN, về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20-4-2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Căn cứ Nghị quyết số 33/NQ-CP, Bộ Xây dựng ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng

Thực hiện văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1-4-2023 của NHNN, Agribank đã dành gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian triển khai từ 3-4-2023 đến khi đạt doanh số 30.000 tỉ đồng, nhưng không quá ngày 31-12-2030. Ðối tượng thụ hưởng là chủ đầu tư dự án, người mua nhà tại các dự án nằm trong danh mục do Bộ Xây dựng công bố. Lãi suất cho vay, kể từ khi giải ngân đến 30-6-2023, mức lãi suất áp dụng cho chủ đầu tư là 8,7%/năm; người mua nhà lãi suất 8,2%/ năm. Từ ngày 1-7-2023 áp dụng theo thông báo của Tổng giám đốc 6 tháng/lần. Thời gian ưu đãi lãi suất danh cho chủ đầu tư là 3 năm, người mua nhà là 5 năm. Sau thời gian này sẽ áp dụng lãi suất cho vay thông thường. Theo ông Lê Ðình Vỹ, Giám đốc Agribank Chi  nhánh TP Cần Thơ, về điều kiện cho vay, ngoài các điều kiện theo quy định của Agribank, khách hàng cần đáp ứng thêm các điều kiện như được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội dự án thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Vì vậy, Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan phối hợp với Agribank TP Cần Thơ triển khai chương trình. Ðồng thời đề nghị Sở Xây dựng TP Cần Thơ rà soát các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố để sớm đăng ký với Bộ Xây dựng được đưa vào danh mục dự án do Bộ công bố để đủ điều kiện cho chủ đầu tư và người mua nhà trên địa bàn TP Cần Thơ sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Tại hội thảo trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23-4-2023, quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, cho rằng: Sau thời gian tăng trưởng, thị trường BÐS khó khăn, thị trường vốn, trái phiếu cũng khó khăn. Trong giai đoạn hiện tại và giai đoạn tới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết gần đây, giao nhiệm vụ rất quyết liệt, nặng nề cho ngành Ngân hàng. Ðối với chương trình tín dụng đặc thù trong đó có gói 120.000 tỉ đồng, các NHNN Chi nhánh, NHTM nhà nước trên địa bàn cùng hỗ trợ các địa phương, Sở Xây dựng triển khai các quy trình thủ tục cho vay để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng vay theo Chương trình, theo dõi các dự án được công bố về cho vay BÐS. Quan điểm của NHNN về cho vay BÐS từ trước đến nay là nhất quán, không siết tín dụng BÐS và có sự kiểm soát những phân khúc rủi ro. Về phía 4 NHTM nhà nước tham gia gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cần tuyên truyền rộng rãi và có văn bản hướng dẫn cụ thể về lãi suất, đơn giản điều kiện vay; báo cáo những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các NHTM khác quan tâm có thể tham gia chương trình này. Ðây là chương trình được xã hội, người dân mong mỏi. Vì vậy khi các dự án BÐS đáp ứng yêu cầu của chương trình được công bố sau khi cấp chính quyền địa phương đăng ký với Bộ Xây dựng các NHTM cần triển khai kịp thời, nhanh chóng.

Chia sẻ bài viết