22/05/2009 - 09:11

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Quyết liệt thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

* Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước có một số thay đổi nhưng về căn bản đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang cơ chế giá thị trường, bảo đảm được an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng, có bước chuẩn bị tích cực cho kế hoạch năm 2009. Những kết quả đó thể hiện sự nỗ lực to lớn của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn dân. Tuy nhiên, việc khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn cho công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đánh giá gói kích cầu của Chính phủ đã được thực hiện linh hoạt, kịp thời nhưng trong quá trình thực hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần được xem xét. Đại biểu phân tích: hiện nay, gói kích cầu đang tập trung cho các doanh nghiệp làm ăn bình thường, tức là doanh nghiệp đã khỏe nay lại càng khỏe hơn, trong khi đó các tổ chức kinh tế đang gặp khó khăn lại không được hưởng lợi từ gói kích cầu này. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để các doanh nghiệp thực sự khó khăn được tiếp cận nguồn vốn và nhận được sự trợ giúp từ chính sách này.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Chính phủ công bố gói kích cầu 8 tỉ USD, tương đương 145.000 tỉ đồng, nhưng trong đó lại có một số nhóm là nguồn chứ không phải là chi thêm. Chẳng hạn như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ năm 2008 sang; hay như phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ là để bù vào nguồn thu bị thâm hụt, không phải là chi thêm để kích cầu”. Đại biểu cho rằng, thống kê như vậy sẽ khó đánh giá đúng tác động của các gói kích cầu.

Phân tích gói kích cầu của Chính phủ dưới một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhận định: trong gói kích cầu của Chính phủ chưa thấy đề cập tới giải pháp về nguồn nhân lực. Đại biểu kiến nghị Chính phủ phải có những giải pháp về nguồn nhân lực thực hiện, trong đó tập trung vào đánh giá trách nhiệm, năng lực, vai trò chủ đạo của các tập đoàn kinh tế Nhà nước trước lạm phát và suy giảm kinh tế như hiện nay.

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách năm 2009 từ 4,82% lên không quá 8% GDP, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng mức bội chi 8% là quá cao, cần phải có biện pháp quyết liệt để giảm xuống. Theo đại biểu, bội chi ngân sách năm nay khoảng 6%-6,5% GDP là hợp lý.

Thảo luận về các giải pháp kích thích phát triển kinh tế, đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) cho biết người dân và cử tri đang lo về vấn đề thực hiện: “Giải pháp đúng nhưng phải làm sao thực hiện cho tốt. Chính phủ muốn phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu là hợp lý, nhưng phải giám sát thế nào để đồng vốn đó được sử dụng một cách hiệu quả”. Đại biểu dẫn chứng về vấn đề thực hiện các giải pháp còn chưa tốt, chẳng hạn như ở Quảng Ngãi tiếp cận vốn vay ưu đãi còn khó khăn, vấn đề kích cầu kinh tế hợp tác còn chưa được chú ý. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đồng tình là các giải pháp đi vào thực tế còn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như chính sách cho vay (lãi suất 0%) hỗ trợ người lao động mất việc làm, áp dụng cho năm 2009 nhưng đa số DN có lao động mất việc làm lại rơi vào năm 2008, nên đến nay hầu như triển khai cho vay rất khó.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Luật Bồi thường Nhà nước.

Về phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, Điều 13 của dự thảo Luật quy định: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Nhiều đại biểu đồng ý với phương án liệt kê các trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định mở: “các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định” sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa Luật này với các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời cũng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu thực tế.

Đại biểu Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) cho rằng việc liệt kê 11 trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường là chưa hợp lý, bởi theo thống kê hiện có tới 22 luật có quy định về vấn đề này. Luật này cần phải phù hợp với 22 luật có quy định về bồi thường Nhà nước, không nên theo hướng liệt kê các trường hợp cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) và nhiều đại biểu khác cho rằng, cần phải có cơ quan giúp Chính phủ quản lý về bồi thường Nhà nước, cần quy định trách nhiệm quản lý về công tác bồi thường cho phù hợp với thực tế hiện nay. Các đại biểu đề nghị nên giao Bộ Tư pháp làm cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự thảo Luật như ban đầu là Luật Bồi thường Nhà nước cho ngắn gọn, dễ hiểu thay vì tên Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đề nghị bổ sung công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bồi thường vào Luật, đảm bảo cơ chế công khai, dân chủ, hạn chế tình trạng bồi thường “cho xong chuyện”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân...

QUỲNH HOA-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết