18/02/2014 - 22:20

Quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ đang hành động quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quyết tâm từ nay đến cuối năm 2015 sẽ cổ phần hóa và đưa lên niêm yết trên sàn chứng khoán khoảng 550 doanh nghiệp (DN), tập đoàn, tổng công ty thuộc diện nhà nước đang quản lý. Qua đó, góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng vững chắc.

Thực hiện cổ phần hóa từ năm 2005, đến nay Công ty Cổ phần may Meko được xem là một trong những đơn vị cổ phần hoạt động hiệu quả trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được triển khai quyết liệt thời gian qua và đạt nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì kết quả cổ phần hóa DNNN thời gian qua vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi tỷ lệ nợ xấu ngân hàng nằm trong khối DNNN khá cao. Cổ phần hóa DNNN không chỉ thúc đẩy tiến trình giải quyết nợ xấu mà còn thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đưa các DN hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong buổi trao đổi cùng các chuyên gia đầu ngành kinh tế- xã hội vào chiều 22-1-2014, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sẽ cổ phần hóa 500 DNNN từ nay đến năm 2015. Và trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2014 vào ngày 24-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai các công việc phải làm để thúc đẩy cổ phần hóa DNNN theo đúng lộ trình đề ra. Trong đó có những DN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước được nêu đích danh phải cổ phần.

Trước đó, trong cuộc họp tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo quyết liệt các DN, công ty, tổng công ty trực thuộc bộ phải nhanh chóng cổ phần hóa theo kế hoạch được phê duyệt. Nếu chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc công ty nào chậm, không triển khai sẽ bị cách chức. Theo kế hoạch, Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam AirLines sẽ quyết tâm cổ phần hóa trong năm 2014. Theo Nghị định số 183/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cuối năm 2013 thì Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines có vốn điều lệ 8.942 tỉ đồng, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn đối với những ngành, nghề không thuộc quy định theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 16-1-2013. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải được phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Sự quyết tâm của Chính phủ, sự nhập cuộc của các bộ, ngành liên quan trong tiến trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015 được kỳ vọng sẽ tiến đến minh bạch thị trường kinh doanh, xóa tình trạng độc quyền của DNNN, các DN buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Một số nhận định cho rằng, nếu Vietnam Airline và mạng di động MobiFone được cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán thì đây sẽ là những DN hàng đầu của Việt Nam được giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Qua đó, sẽ tạo ra tiếng vang lớn trong việc thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc DNNN nói riêng. Theo nhận định của giới đầu tư tài chính, với lợi nhuận đạt được trong năm 2013 kế hoạch lợi nhuận năm 2014 tăng gần 240% so với năm 2013, lợi nhuận hợp nhất lên tới 969 tỉ đồng này, cộng với lợi thế kinh doanh của mình thì khi IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu) cổ phiếu của Vietnam Airlines dự đoán sẽ có giá không dưới “5 chấm”. Tuy nhiên, việc định giá khi IPO còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, cũng như cách thức thực hiện như thế nào (IPO một phần hay IPO toàn phần) và Nhà nước (SCIC - Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính) nắm giữ bao nhiêu phần trăm khi IPO. Tương tự, với mạng di động MobiFone, nhiều nhà đầu tư dự đoán khi IPO, MobiFone sẽ có giá không dưới “10 chấm”.

Từ đầu năm 2014 đến nay, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng cổ phiếu tên 2 sàn chứng khoán Việt Nam khoảng 2.500 tỉ đồng. Thị trường đầu tư sôi động hơn khi niềm tin nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng chậm. Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong đẩy mạnh cổ phẩn hóa DNNN sẽ tạo ra động lực, niềm tin lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết