03/01/2018 - 21:53

Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp, ứng phó biến đổi khí hậu 

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực ĐBSCL đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ. Trong đó, không những diện tích nuôi trồng phát triển nhanh, sản lượng tăng cao mà thị trường xuất khẩu mới cũng được hình thành, phát triển nhanh với sản lượng tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên, để hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, phù hợp điều kiện tự nhiên rất cần sự quy hoạch hợp lý, hỗ trợ phát triển của các địa phương tại khu vực ĐBSCL.

Phát huy thế mạnh

Trong 5 năm qua, ngành thủy sản BĐSCL phát triển mạnh và là vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển biến tích cực là tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác. Trong đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, thành một nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...

Mô hình nuôi cá thác lác cườm đạt hiệu quả cao của ông Lý Văn Bon tại khu vực cồn Sơn, quận Bình Thủy.Mô hình nuôi cá thác lác cườm đạt hiệu quả cao của ông Lý Văn Bon tại khu vực cồn Sơn, quận Bình Thủy.

Ở ĐBSCL, diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định trong các năm qua, từ 729.300 ha năm 2011 đến năm 2017 là 757.000 ha; sản lượng thủy sản nuôi năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn. Các sản phẩm nuôi trồng thủy sản trong vùng khá đa dạng, trong đó sản phẩm chủ lực xuất khẩu là cá tra và tôm nuôi nước lợ. Đặc biệt, con cá tra vùng ĐBSCL đã trở thành một thế mạnh của vùng. Cụ thể, từ năm 2015 diện tích nuôi cá tra toàn vùng là 5.400 ha và sản lượng đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỉ USD. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng lên trong năm 2017 vừa qua.

Ở TP Cần Thơ, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển. Cụ thể, năm 2017, diện tích thả nuôi 11.715 ha, vượt 11,57% kế hoạch; diện tích thu hoạch 11.318 ha, với sản lượng 214.706 tấn, vượt 9,6% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 733 ha, diện tích thu hoạch 603 ha với sản lượng 174.180 tấn, vượt 8,19% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2017, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 28.000-29.000 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800g/con), trong khi giá thành bình quân từ 20.500 – 21.500 đồng/kg. Do đó, nông dân nuôi cá có lợi nhuận khá và nhân rộng ao nuôi.

 Ông Nguyễn Ngọc Hải, người nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh vùng ao nuôi cá thương phẩm khoảng 10 ha của tổ hợp tác (ở phường Thới An) theo hợp đồng liên kết với Tập đoàn Sao Mai (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI), ông còn hợp tác đầu tư thêm khoảng 10 ha với 14 ao chuyên sản xuất cá tra giống. Hiện nay, cá tra giống rất nhiều người nuôi cá đặt mua nhưng không đủ bán.

Lý giải vì sao nguồn cung cá giống thường không đáp ứng nhu cầu, ông Hải cho rằng khi cá thương phẩm rớt giá thì lập tức kéo theo cá giống bán chậm, ế ẩm, lỗ lã và ngược lại cá thương phẩm bán chạy, có giá thì cá giống bán chạy, giá cao do ao nuôi phát triển. Tuy nhiên, sản xuất con giống cũng còn một số hạn chế, vì chuỗi sản xuất cá giống - cá tra thương phẩm còn bấp bênh nên các cơ sở sản xuất dần dà thiếu đầu tư mang tính chiến lược như ổn định đàn cá giống bố mẹ. Đó là chưa kể đến các điều kiện kỹ thuật, chất lượng nguồn nước, thời tiết. Từ đó dẫn tới tỷ lệ sinh sản, ương nuôi không đạt và người nguôi cá thương phẩm bị hao hụt với tỷ lệ cao... Dù rằng, ai cũng biết rõ trong nuôi trồng thủy sản giống là yếu tố quan trọng quyết định chuyện thành, bại. Đầu năm 2017, cá giống cỡ 50 con/kg rớt giá còn 20.000 đồng/kg. Hiện thời đã tăng lên 50.000-55.000 đồng/kg, những vẫn thiếu hụt nguồn cung...

Phát triển bền vững

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất, đặc biệt trước nguy cơ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam thiệt hại kinh tế do thiên tai 59.300 tỉ đồng, trong đó thiệt hại từ nuôi trồng thủy, hải sản khá cao. Từ đó, việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL cần rà soát, sớm phê duyệt và tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho phù hợp, gắn với đảm bảo an toàn thiên tai, bảo vệ môi trường, không làm phát sinh dịch bệnh, đảm bảo an ninh, trật tự và chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn...

TP Cần Thơ cũng vừa phê duyệt và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố đến năm 2020 là 12.500 ha, đến năm 2030 là 14.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá tra chiếm 1.000 ha và đạt 1.100 ha vào năm 2030. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 là 241.500 tấn, đến năm 2030 là 267.500 tấn... Đặc biệt, đến năm 2020, đóng góp của ngành thủy sản trong tổng giá trị tăng thêm của khu vực nông – lâm – thủy sản là 51,5%, đến năm 2030 phải đạt 60%; đồng thời, cơ cấu giá trị gia tăng các lĩnh vực thủy sản như nuôi trồng thủy sản chiếm từ 95,1% đến 96,2% (năm 2030), khai thác thủy sản chỉ còn 4,9% và 3,8% vào năm 2030. Phân vùng nuôi trồng thủy sản và lựa chọn mô hình nuôi phù hợp tại các địa phương, trên địa bàn 5 quận và 4 huyện. Đặc biệt quy trình nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, tránh thiệt hại do thiên tai...

Theo Quyết định số 102 của UBND TP Cần Thơ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì tổng kinh phí thực hiện quy hoạch dự kiến là 9.237 tỉ đồng. Trong đó bao gồm cả nguồn vốn Trung ương đầu tư, vốn của thành phố và nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Theo quy hoạch, phát triển thủy sản trên phải gắn với việc tổ chức lại phương thức sản xuất, chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến tiêu thụ; đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong nuôi trồng thủy sản, trong đó lấy hiệu quả làm mục tiêu, tăng trưởng làm động lực và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... Đặc biệt, thời gian tới, phát triển thủy sản ở TP Cần Thơ là động lực để thúc đẩy thủy sản vùng ĐBSCL phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết