Từ ngày 1-8-2024, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDÐ) trồng lúa. Ðó là một trong những quy định mới của Luật Ðất đai năm 2024 và người dân rất đồng tình với quy định này.
Phần đất ruộng của ông Nghị đã nhận chuyển nhượng QSDĐ, nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên QSDĐ.
Ông Trần Thanh Nghị ở phường Thới An, quận Ô Môn, đang chờ đến ngày 1-8-2024 để thực hiện hồ sơ đăng ký QSDÐ đối với 3.000m2 đất trồng lúa. Ông Nghị kể: “Trước đây, tôi mua phần đất này của người anh ruột, nhưng chưa thể làm thể tục chuyển nhượng, sang tên QSDÐ vì tôi là viên chức nhà nước, không trực tiếp canh tác nên không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định hiện hành. Luật Ðất đai năm 2024 đã bỏ quy định này và tôi chờ đến ngày Luật có hiệu lực thi hành để thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên QSDД.
Luật Ðất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ đất trồng lúa. Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm căn cứ xác định đủ điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ trồng lúa. Quy định này đã gây nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế các quyền của người dân. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Thời gian qua, có nhiều trường hợp vướng quy định về trực tiếp canh tác nông nghiệp, không thể nhận chuyển nhượng hay nhận tặng cho QSDÐ trồng lúa. Vì vậy, người dân rất phấn khởi với quy định mới của Luật Ðất đai năm 2024. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để bà con biết, thực hiện đúng quy định”.
Theo Ðiều 45, Luật Ðất đai năm 2024, không còn quy định hạn chế việc nhận chuyển nhượng, tặng cho QSDÐ trồng lúa. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định hạn mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp trong việc thực hiện các quyền này. Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ trồng lúa quá hạn mức quy định (trên 3ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Ðông Nam Bộ và khu vực ÐBSCL; trên 2ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, khoản 8, Ðiều 45, Luật Ðất đai năm 2024 vẫn quy định điều kiện hạn chế đối với một số trường hợp trong thực hiện các quyền đối với một số loại đất khác. Theo đó, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDÐ rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ đối với đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó; tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ.
Luật Ðất đai năm 2024 đã tháo gỡ một số vướng mắc mà trong quá trình thi hành Luật Ðất đai năm 2013 đã bộc lộ. Với những quy định mới này, người dân rất phấn khởi chờ đợi, hy vọng quyền và lợi ích về đất đai sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG