19/11/2011 - 08:21

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giá và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính

(TTXVN)- Tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, sáng 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Giá dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: bình ổn giá thị trường, sự cần thiết phải quy định trong luật các tiêu chí cụ thể và danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, thực hiện biện pháp kiểm tra, kiểm soát, chế tài xử lý các vi phạm trong việc thực hiện chính sách về giá; các tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Nhà nước, loại hàng hóa, dịch vụ...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các ý kiến phát biểu rất có chất lượng, với mong muốn cho dự thảo Luật Giá được ban hành sẽ giải quyết được yêu cầu quản lý giá trong nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Đa số các đại biểu đồng ý với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra cũng như tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật, nâng lên từ Pháp lệnh về giá. Quốc hội sẽ xem xét các ý kiến đề nghị cần xác định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong dự luật, phân loại các nhóm hàng hóa để quy định quản lý cho phù hợp, các hành vi bị cấm, bổ sung chế tài, cơ chế xử lý cụ thể, các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về giá... để đảm bảo Luật Giá có chất lượng, minh bạch, rõ ràng và khi ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm soát của Nhà nước để phục vụ cho việc bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chiều 18-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các đại biểu tán thành với việc ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, khắc phục những bất cập, tồn tại trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị nên tách thành hai Luật bởi việc xử lý và xử phạt là hai lĩnh vực khác nhau với hình thức ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu tách thành hai Luật sẽ cần thêm thời gian nghiên cứu, soạn thảo trong khi việc ban hành luật về vấn đề này là rất cần thiết. Các đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính đã bao hàm cả hai lĩnh vực xử lý và xử phạt. Do vậy, việc điều chỉnh hai lĩnh vực xử lý và xử phạt vi phạm hành chính trong một luật là hợp lý. Đối với quy định chuyển giao công tác xử lý vi phạm hành chính từ cơ quan chính quyền sang tòa án, nhiều đại biểu cho rằng điều này phù hợp với các quy định của pháp luật, nhưng chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, việc chuyển công tác xử lý vi phạm hành chính sang tòa án là quá sớm và gây quá tải đối với tòa án. Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và một số đại biểu đồng ý với dự thảo Luật không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, nếu họ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và đề nghị, nếu quy định thêm biện pháp phạt bổ sung là buộc người bán dâm phải chữa bệnh thì phải dự toán nguồn kinh phí để chữa trị cho họ. Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho rằng cần xác định rõ bán dâm có là hành vi vi phạm pháp luật không, cần có biện pháp quản lý phù hợp và cần thống nhất quan điểm về vấn đề này bởi quy định như trong Luật là chưa rõ ràng...
Chia sẻ bài viết