(Chinhphu.vn)- Trong ngày làm việc thứ 25 kỳ họp thứ 5 (18-6), Quốc hội thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và thông qua Luật Khoa học và Công nghệ.
Trong buổi thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về đánh giá một số vấn đề lớn, đó là việc ban hành quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện vốn trái phiếu chính phủ; việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu đã phân tích, đánh giá trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với các sai phạm, hạn chế trong công tác quản lý sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và đưa ra các giải pháp xử lý, nhất là với các dự án đang triển khai một cách hiệu quả.
Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.
Về việc xét tặng danh hiệu "Vinh dự Nhà nước", dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm 1 lần vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay; thời điểm xét tặng danh hiệu "Vinh dự Nhà nước" là 3 năm 1 lần thay cho 2 năm 1 lần như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị tôn vinh. Thời điểm xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" cũng là 5 năm 1 lần thay cho 2 năm 1 lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh" 5 năm xét tặng 1 lần.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ với hơn 87,75% đại biểu tán thành.
Theo đó, Luật quy định rõ nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ là xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hóa, khoa học của thế giới.
Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ để làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; kịp thời dự báo, phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ với ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ; tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ; tạo điều kiện để các hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ...
Về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ như lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ. Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ và cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, cũng quy định ngày 18-5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Lê Sơn