19/10/2008 - 08:40

Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII:

Quốc hội cho ý kiến vào hai Dự thảo Luật

Sáng 18-10, đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đa dạng sinh học và Dự thảo Luật Công nghệ cao.

Đa số đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Đa dạng sinh học là cần thiết, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; đồng thời xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Góp ý kiến vào vấn đề phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý khu bảo tồn, nhiều đại biểu khác cho rằng nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia có toàn bộ diện tích nằm trên địa bàn tỉnh và khu bảo tồn cấp tỉnh. Cần quy định rõ khu bảo tồn cấp quốc gia phải có Ban quản lý (đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh) thống nhất quản lý. “Đối với khu bảo tồn nằm trên địa bản từ 2 tỉnh trở lên, cần giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý”, đại biểu Đình Xuân đề nghị. Đại biểu này cũng cho rằng, nếu giao việc quản lý khu bảo tồn cho các cơ sở của tư nhân hoặc giao cho cơ sở tự chủ tài chính nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước.

Về trách nhiệm của UBND cấp xã, đại biểu Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) đề nghị luật cần xây dựng theo hướng cụ thể hơn, góp phần tạo điều kiện cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống cần cụ thể hóa các điều, khoản trong Luật. Trong Dự thảo có tới gần 30 điều giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Quy định các điều quá sơ sài, sẽ dẫn đến khó thực hiện trong cuộc sống.

Đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với các quy định trong Dự thảo Luật Công nghệ cao và cho rằng Dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Các đại biểu đã tập trung góp ý kiến vào một số nội dung trong Dự thảo Luật như: Chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; các chính sách ưu đãi cho hoạt động công nghệ cao...

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao, đặc biệt là vấn đề về nguồn nhân lực tham gia phát triển công nghệ cao. Các đại biểu cho rằng, chính sách của Nhà nước cần khẳng định vai trò chủ đạo của công nghệ cao đối với việc xây dựng năng lực khoa học - công nghệ quốc gia. Do đó, Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực về tài chính và có các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ tiên quyết, quyết định việc thành, bại trong phát triển công nghệ cao. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn chung chung, chưa nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp cụ thể cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phát triển nhân lực công nghệ cao.

Ngày 20-10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết