Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phát triển Du lịch (PTDL) Cần Thơ đã góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch địa phương qua các hoạt động quảng bá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, để du lịch Cần Thơ phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo định hướng của Thành ủy và UBND TP Cần Thơ, ngành du lịch Cần Thơ nói chung và Trung tâm PTDL cần hành động quyết liệt hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm PTDL Cần Thơ, cho biết:
Hoạt động từ năm 2015, Trung tâm PTDL Cần Thơ thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần thay đổi diện mạo du lịch thành phố. Trước hết xây dựng các giải pháp về quảng bá, liên kết, liên doanh du lịch. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng và ra mắt cổng thông tin điện tử về du lịch Cần Thơ (http://tourismcantho.vn), cung cấp đầy đủ thông tin về các điểm vui chơi, giải trí, ẩm thực, dịch vụ. Hiện cổng thông tin này có lượt truy cập trung bình khoảng 1.000 lượt/ngày; liên kết với hơn 40 cổng thông tin của các đơn vị sở, ngành, các tỉnh thành du lịch trọng điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Khánh Hòa…
Trung tâm cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Cần Thơ (logo và slogan) qua các cuộc thi thiết kế. Hiện Cần Thơ đã có bộ nhận diện thương hiệu du lịch, giúp việc quảng bá thuận lợi và hiệu quả hơn. Nhằm phục vụ du khách và thu thập ý kiến đóng góp cho du lịch Cần Thơ, đơn vị đã xây dựng nhiều trạm cung cấp thông tin tại các điểm công cộng như sân bay, Bến Ninh Kiều…; cũng như thành lập đường dây nóng 0888.177.666 để lắng nghe phản hồi của du khách, kịp thời xử lý các bức xúc.
Bên cạnh đó, đơn vị phụ trách về tư vấn và xây dựng sản phẩm du lịch của Trung tâm hằng năm khảo sát và hỗ trợ các quận, huyện xây dựng sản phẩm du lịch theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Từng bước nâng chất các sản phẩm du lịch qua việc xây dựng hệ thống điểm du lịch tiêu biểu thành phố, ĐBSCL, cũng như các điểm, cơ sở đủ chuẩn phục vụ du lịch.
Về liên kết, quảng bá du lịch, hằng năm đơn vị tham gia các kỳ hội chợ về du lịch, các sự kiện lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác với hơn 20 tỉnh, thành có tiềm năng về thị trường phát triển du lịch, góp phần mở rộng thông tin du lịch Cần Thơ.
* Năm 2018, Cần Thơ dự kiến đón khoảng 8 triệu lượt du khách, nhưng năm nay không có quá nhiều sự kiện quốc tế, quốc gia diễn ra tại Cần Thơ như năm 2017. Đơn vị có những giải pháp cụ thể nào để đạt mục tiêu này, thưa ông?
- Chúng tôi tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng chất sự kiện, lễ hội đặc trưng ở địa phương và quảng bá ở các thị trường trọng điểm.
Vừa qua, Trung tâm PTDL Cần Thơ phối hợp với một số đơn vị hữu quan tổ chức biểu diễn guitar, trình diễn thư pháp tại khu vực cầu đi bộ, Bến Ninh Kiều vào tối Chủ nhật mỗi tuần. Đi vào hoạt động khoảng hơn tháng nay, hoạt động này đang thu hút trung bình mỗi đêm 1.000- 1.500 lượt người đến xem. Chúng tôi không chỉ duy trì hoạt động này mà còn xây dựng thêm nhiều mô hình để phục vụ du khách. Song song đó, đơn vị cũng đã phối hợp với UBND quận Ninh Kiều ra mắt nhiều tuyến phố chuyên doanh về thời trang, ẩm thực, vui chơi giải trí phục vụ du khách tại các tuyến đường trung tâm của thành phố: Hai Bà Trưng, Đề Thám, Nguyễn Trãi, Trần Phú…
Hoạt động cá bú bình thu hút du khách tại KDL Mỹ Khánh.
Hiện Cần Thơ đã có 6 sự kiện, lễ hội về du lịch: Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền Đình Bình Thủy, Ngày hội Vườn trái cây Tân Lộc, Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Ngày hội du lịch Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch quận Ô Môn - Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer và một sự kiện lễ hội cấp vùng là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ. Những sự kiện này từng bước sẽ được nâng chất, mở rộng, làm mới nội dung và hoạt động, góp phần thu hút du khách đến Cần Thơ.
Song song với xây dựng, nâng chất các điểm du lịch tiêu biểu, đơn vị mở rộng quảng bá, liên kết ở các thị trường mới. Năm 2018, đơn vị phối hợp với Tổng cục Du lịch quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế JATA - Nhật Bản và Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa - Pháp; cũng như có mặt trong Hội chợ Du lịch Quốc Tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2018, Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC) năm 2018.
* Về lâu dài, để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo định hướng của Thành ủy, UBND thành phố, đơn vị có những chiến lược gì, thưa ông?
- TP Cần Thơ đang triển khai Chương trình Quảng bá xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn năm 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 (được UBND thành phố phê duyệt vào cuối năm 2017). Ngành du lịch đang tập trung thực hiện mục tiêu của chương trình: đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch Cần Thơ, xây dựng hình ảnh - thương hiệu du lịch Cần Thơ tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch thành phố.
Là một đơn vị trực thuộc ngành, chúng tôi đang xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Cần Thơ theo tiêu chí an toàn - thân thiện - chất lượng, sáng tạo trong công tác xúc tiến và quảng bá nhằm tạo khác biệt so với các tỉnh thành trong khu vực, đồng thời giới thiệu sự đa dạng và phong phú của các loại hình du lịch tại Cần Thơ. Công tác này được khai thác ở thị trường mục tiêu trong nước là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông; thị trường quốc tế hướng đến Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Mô hình thu gom rác trên sông tại chợ nổi - một phần việc trong dự án Bảo tồn và Phát triển Chợ nổi Cái Răng.
Song song đó, chúng tôi chủ động tham gia các đoàn xúc tiến quảng bá, hội chợ triển lãm của thành phố và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; cũng như các sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch trong và ngoài nước để tiếp cận, mời gọi đối tác, công ty lữ hành chuyên đưa khách quốc tế vào Việt Nam và Cần Thơ. Đồng thời, phối hợp với 13 tỉnh thành trong vùng ĐBSCL tổ chức sự kiện Roadshow “Tuần lễ mời về Miền Tây” tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có tiềm năng về du lịch.
Chúng tôi cũng sẽ mở rộng ảnh hưởng qua mạng xã hội (Youtube, Instagram, Twitter, Facebook, Google Map và Google Plus…) để quảng bá, cung cấp thông tin, hình ảnh về du lịch Cần Thơ; tăng cường phát triển các ứng dụng cho điện thoại gắn với quảng bá du lịch. Các ứng dụng này hỗ trợ cung cấp thông tin chung về điểm đến; các loại hình du lịch, sản phẩm dịch vụ theo các chiến dịch cụ thể; hỗ trợ về mặt ngôn ngữ đối với khách quốc tế hoặc các trò chơi gắn với quảng bá du lịch thông qua điện thoại di động.Trung tâm xây dựng các ấn phẩm điện tử bằng nhiều ngôn ngữ (quan trọng nhất là tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản). Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng và triển khai nhiều đề án về sản phẩm du lịch: Bảo tồn và Phát triển Chợ nổi Cái Răng, Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Cần Thơ…
* Xin cảm ơn ông!
Ái Lam (Thực hiện)