Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vừa phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Khơi thông dòng vốn mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và đang tăng trưởng". Ðây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do USAID tài trợ để giúp các DN nhỏ và đang tăng trưởng tiếp cận các nguồn vốn cũng như quản trị dòng tiền hiệu quả để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp cần cân đối nhu cầu thị trường để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm. Trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ, triển lãm "TP Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển" diễn ra vào đầu tháng 11-2023.
Nâng cao năng lực quản trị
Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, bước vào giữa quý IV-2023, đây là thời điểm cao điểm với các DN sản xuất kinh doanh khi chuẩn bị bước sang Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Ðây là thời điểm nhu cầu sản xuất hàng hóa và tiêu dùng tăng rất mạnh. Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Câu chuyện thị trường và vấn đề tài chính đối với DN vẫn là 2 trong số nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay. Ðây là những điểm nghẽn cần có sự đồng hành, hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và đang tăng trưởng. Theo nhiều DN chia sẻ, nhu cầu thị trường đã có khởi sắc hơn, tuy nhiên các đơn hàng chưa thực sự phục hồi tốt so với trước đây và việc tiếp cận các nguồn vốn luôn là vấn đề khó khăn cho DN. Ðối với các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính cũng có những quan ngại nhất định về năng lực của DN, vấn đề minh bạch sổ sách, kế toán cũng như khả năng quản trị tài chính và quản lý dòng tiền để phản ánh được khả năng trả nợ của DN vẫn còn hạn chế. Do đó, dự án IPSC hướng đến hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa Việt Nam phát triển thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách giữa bên cung và bên cầu, tháo gỡ điểm nghẽn để hướng dòng vốn vào phục vụ sản xuất kinh doanh cho DN, đặc biệt là vào cao điểm cuối năm.
Sự tham gia của các chuyên gia về tài chính, quản trị dòng tiền, các ngân hàng, tổ chức tài chính giúp cho DN có thêm thông tin và kỹ năng để quản lý dòng tiền một cách thông minh và hiệu quả cũng như có thể tiếp cận với các nguồn vốn mà không nhất thiết phải có tài sản thế chấp, có thêm nguồn lực để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN tốt hơn vào thời điểm cuối năm. Theo đó, DN cần phân biệt đâu là dòng tiền, đâu là lợi nhuận. DN thường hướng đến doanh thu là trước nhất, đi kèm với doanh thu là mong muốn có lợi nhuận càng cao càng tốt. Nhưng đôi khi lợi nhuận không liên quan đến dòng tiền. Nếu DN quá chú trọng vào lợi nhuận mà không kiểm soát được dòng tiền, có thể dẫn đến lợi nhuận cao nhưng dòng tiền của hoạt động kinh doanh thường xuyên âm qua các năm.
Theo bà Vũ Thị Phương Liên, Học viện Tài chính, Chuyên gia dự án USAID IPSC, vào thời điểm cao điểm về mùa vụ dòng tiền cực kỳ quan trọng, thậm chí có thời điểm "tiền mặt là vua" tức là chỉ cần có tiền là sẽ thắng. Cần xem xét hoạt động kinh doanh lõi của DN có bền vững hay không. Dòng tiền nếu dồi dào giống như dòng máu trong cơ thể người. Khi hoạt động lõi ổn định, DN mới đủ sức khỏe để hoạt động cũng như khi cần thiết có thể hiện thực hóa phần lợi nhuận thu được bằng tiền trong thời gian ngắn nhất. Nếu không lợi nhuận chỉ nằm trong khoản phải thu, trong hàng tồn kho, thậm chí nằm ở đâu đó mà không quay trở về thành tiền mặt. Và đến chu kỳ tiếp theo khi DN không có tiền mua sắm nguyên vật liệu đầu vào để tái sản xuất sẽ dẫn đến mất cơ hội kinh doanh. Không phải lúc nào DN cũng vay vốn hay huy động vốn được bởi không thể hiện thực hóa lợi nhuận thành tiền.
Lắng nghe tín hiệu thị trường
Khi thị trường biến động, DN nhỏ và đang phát triển thuộc nhóm dễ chịu tác động nhưng nếu linh động thích ứng sẽ tìm được hướng đi phù hợp. Với xuất phát điểm từ cửa hàng bán gạo nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, đến mở chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Gạo Sạch và phát triển thành Công ty CP Gạo Ông Thọ. Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ, có nhiều kinh nghiệm quản trị dòng vốn, đẩy nhanh vòng quay vốn nhờ lựa chọn sản phẩm được thị trường đón nhận, xây dựng uy tín DN, huy động vốn bằng nhiều hình thức. Theo bà Dương Thanh Thảo, Công ty đẩy nhanh vòng xoay của tiền bằng cách lựa chọn kinh doanh thêm sản phẩm, dịch vụ bổ trợ cho sản phẩm mục tiêu. Bên cạnh đó, thực hiện chia nhỏ vùng nguyên liệu đầu tư để giảm áp lực vốn. Dù đây là giải pháp làm tăng chi phí sản xuất nhưng chủ động được tài chính để thanh toán cho nông dân. Phương án này cũng đảm bảo hàng luôn mới phù hợp với xu hướng thích ăn gạo mới của người tiêu dùng, giúp DN không tồn kho và xây dựng được uy tín với nhà cung ứng. Nhờ uy tín với đối tác nên Công ty có thể tranh thủ các khoản chậm trả, giúp giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nhất là ở những thời điểm không có nhiều tài sản thế chấp.
Thời điểm cuối năm, các tổ chức tín dụng cũng tạo thuận lợi để DN tiếp cận vốn phục vụ mùa kinh doanh cao điểm. Theo ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối khách hàng DN vừa và nhỏ, Ngân hàng OCB, rào cản với DN nhỏ và vừa là yêu cầu cao về tài sản đảm bảo. Rủi ro của DN càng cao, tài sản đảm bảo càng khắt khe. Khi tiếp cận vốn, DN cần chứng minh cho ngân hàng ngành kinh doanh của mình không có rủi ro hoặc có thể có rủi ro nhưng có cách quản trị hiệu quả. Việc DN chia sẻ rành mạch về kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường, có đầu ra ổn định, có thị trường ngách, có cách thức quản trị rủi ro… sẽ tăng niềm tin với ngân hàng. DN có thể đưa ra phương án chi tiết về nhu cầu sử dụng vốn để được ngân hàng hỗ trợ cấp khoản vay với hạn mức và thời gian vay phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho DN dịp cuối năm.
Theo bà Vũ Thị Phương Liên, Học viện Tài chính, Chuyên gia dự án USAID IPSC, đối với mùa cao điểm cuối năm, mức tiêu thụ của thị trường, nhu cầu đối với hàng hóa của DN có xu hướng đi lên. Khi đó, DN có nhiều cơ hội để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và cần có tiền để đầu tư cũng như cần tính toán nhu cầu tiền thế nào cho phù hợp. Quản trị dòng tiền về bản chất cần quản trị hàng loạt các chỉ tiêu, hạng mục trong đó có hàng tồn kho, công nợ, các khoản phải thu, phải trả... để điều hòa nguồn tiền. Cần dự đoán nhu cầu thị trường, lượng hàng bán ra, am hiểu các đối thủ cạnh tranh mới hoặc sự thay đổi văn hóa tiêu dùng của khách hàng. Dự báo nhu cầu sản phẩm tăng hay giảm để dự báo nhu cầu dòng tiền, thời gian quay vòng vốn, chu kỳ của các khoản phải thu nhanh nhất có thể và các khoản phải trả chậm nhất có thể, hàng tồn kho chỉ được lưu kho trong thời gian ngắn nhất có thể. Quan trọng là DN phải lắng nghe nhu cầu thị trường để xác định nhu cầu vốn và xác định giải pháp tối ưu để quản trị dòng tiền phù hợp.