06/04/2020 - 10:30

Quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuân thủ quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ, mua bán tạm ngưng hoạt động. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của người lao động. Tuy nhiên, những ngày qua, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố vẫn một lòng, chung sức vượt khó, tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đại diện UBMTTQVN, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ trao quà cho người bán vé số. Ảnh: CTV

Những ngày này, nhịp sống ở Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy) trở nên trầm lắng hơn trước. Nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm cho công nhân hoặc bố trí cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc thậm chí phải tạm ngưng hoạt động. Vì thế, công nhân đi làm hằng ngày ít hơn trước, kéo theo các dịch vụ mua bán, phục vụ công nhân cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Như trường hợp gia đình chị Võ Kiều Trinh, chuyên bán thức ăn nhanh cho công nhân ở khu công nghiệp này đã bị giảm thu nhập khoảng 2 tháng nay. Chị Trinh cho biết, ngoài việc mua bán chậm và ít hơn trước, do trường học đóng cửa nên mẹ chị phải bỏ việc mua bán nhỏ tại nhà để đến phụ vợ chồng chị chăm sóc các cháu. Biết chị Trinh mua bán khó khăn, cô Vũ Thị Liên, ngụ khu vực 6, phường Trà Nóc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ công nhân nhà trọ phường Trà Nóc, tạo điều kiện cho chị hằng ngày ra đứng bán ở mặt bằng trước nhà cô sớm hơn, để đảm bảo thu nhập nuôi con. Theo cô Liên, trường học tạm đóng cửa đã khiến một số công nhân có con nhỏ gặp khó khăn. Đa số các chị em chọn cách gửi con về quê cho ông bà chăm sóc hoặc bất đắc dĩ phải xin gửi con nhờ những gia đình thân quen cũng đang có chăm sóc con nhỏ trong xóm trọ để tiếp tục đi làm. Có trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Mừng, làm thợ hồ, còn vợ làm công nhân ở một công ty trong Khu công nghiệp Trà Nóc cũng là thành viên trong CLB, từ sau Tết Nguyên đán, chị phải xin tạm nghỉ việc không hưởng lương để ở nhà chăm sóc con.

Còn chị Nguyễn Thị Tận là công nhân của một công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc thì đã tạm nghỉ việc theo quy định chung của công ty. Chị cho biết: “Vì dịch bệnh nên hơn 2 tháng trước công ty cho công nhân giảm giờ làm, thu nhập của tôi giảm từ 5-6 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Và từ ngày 19-3 đến nay công ty cho công nhân tạm nghỉ, chưa thông báo thời gian đi làm lại. Nếu thời gian nghỉ kéo dài, tôi sẽ rất khó khăn vì không có thu nhập”.

Cô Phạm Thị Út Dung, ngụ khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, làm tạp vụ cho một quán giải khát ở trung tâm thành phố, thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Từ ngày 28-3, quán tạm đóng cửa và cô cũng chưa biết khi nào quán mới mở lại. Mấy ngày nay, cô gói ghém chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trước đó.

Anh Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành, cho biết: “Công ty bố trí cho công nhân bắt đầu giờ làm muộn và ra về sớm hơn so với trước. Và từ ngày 2-4, Công ty cho công nhân nghỉ lễ đến ngày 6-4 mới làm lại. Vì giảm giờ làm nên sản xuất hàng hóa giảm, thu nhập của công nhân và công ty cũng giảm theo nhưng không đáng kể. Ban Giám đốc cố gắng duy trì công việc và thu nhập để giữ chân công nhân, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhắc nhở công nhân giữ vệ sinh cá nhân, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.

Theo bà Huỳnh Thị Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố, thành phố có 252 doanh nghiệp tại các khu chế xuất và công nghiệp có tổ chức công đoàn. Trước tình hình dịch bệnh, đã có 31 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, với 5.280 lao động tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức hỗ trợ dao động từ 1-5 triệu đồng/tháng tùy điều kiện doanh nghiệp và vị trí làm việc của lao động. Để đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh trong công nhân lao động các doanh nghiệp, từ khi khởi phát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh đến các cấp công đoàn, đoàn viên người lao động; kết nối các doanh nghiệp cung cấp nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang bình ổn giá, thông tin địa chỉ trang tin điện tử và cách thực hiện khai báo y tế cho người lao động. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã chỉ đạo công đoàn các cấp, tùy điều kiện từng đơn vị phối hợp Giám đốc doanh nghiệp hỗ trợ quà cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo chế độ chính sách, lương cho công nhân tạm nghỉ việc mỗi tháng không thấp hơn lương tối thiểu. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm giãn thời gian đóng các chế độ bảo hiểm cho người lao động trong thời điểm thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Góp phần hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, lãnh đạo thành phố đã giao Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết và Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ phối hợp thực hiện việc tặng quà hỗ trợ phần nào khó khăn cho những người bán vé số dạo. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ, từ ngày 1-4, Công ty đã bắt đầu trao quà cho người bán vé số và tiếp tục trao trong những ngày tới với tổng số lên đến trên 3.000 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng.

Riêng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cũng đã kịp thời phối hợp tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch ở các đơn vị trực thuộc Sở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; thông tin và triển khai thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước đến các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người lao động ở TP Cần Thơ bị tác động của dịch COVID-19 như việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện trả lương ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động,... Đồng thời, chuyển đổi các hoạt động giao dịch sang hình thức trực tuyến hay sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để tạo thuận tiện và đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh đối với người lao động. Thường xuyên nắm và báo cáo các cơ quan cấp trên về tình hình di chuyển và việc làm của một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn, lao động thành phố làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...; tình hình các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người lao động ở TP Cần Thơ bị tác động của dịch COVID-19. Sở cũng đã tổ chức vận động các nhà hảo tâm đóng góp và trao tặng hơn 1.000 phần quà trị giá hơn 400 triệu đồng; đồng thời tổ chức các đơn vị trực thuộc Sở may, làm và tặng gần 3.000 khẩu trang và 2.000 tấm ngăn giọt bắn đến các lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19 (chủ yếu là lao động tự do, không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, không có hợp đồng lao động, hưởng lương hay có thu nhập theo từng ngày làm việc) và đến các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, Sở tiếp tục nắm và rà soát, nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, đơn vị để nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ sau dịch COVID-19.

Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết