20/04/2015 - 20:41

Quan tâm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp với các ngành, đoàn thể, công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục (CMC-PCGD) của thành phố đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nỗ lực ấy góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Nỗ lực...

Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ trên địa bàn. 

Năm qua, dấu mốc quan trọng đánh dấu bước tiến vượt bậc của chất lượng giáo dục mầm non là thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi sớm hơn kế hoạch 1 năm. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, phấn khởi cho biết: “Công tác PCGD mầm non được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Hằng năm, kế hoạch thực hiện Đề án PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi được cụ thể bằng các Nghị quyết của Đảng, kế hoạch chương trình hành động của các cấp chính quyền”. Nhận thức tầm quan trọng của công tác PCGD, thành phố quan tâm mở rộng, nâng cấp hệ thống trường lớp, xây dựng thêm nhiều trường chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ biết chữ và phổ cập giáo dục. Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) – CMC – PCGD) các cấp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác. Đến tháng 12-2014, có 85/85 xã, phường, thị trấn 9/9 quận, huyện đạt chuẩn CMC, PCGD tiểu học; đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1...

Thời gian qua, phường An Thới, quận Bình Thủy là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả việc ngăn dòng học sinh bỏ học. Xác định nguyên nhân bỏ học, các ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động học sinh không bỏ học, hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để động viên con em tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, phát huy tính tích cực giúp học sinh không chán học… Quận ủy, UBND quận Thốt Nốt thì xác định, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là yêu cầu cấp bách, có tính quyết định để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của mỗi địa phương, trường học. Những năm qua, ngành giáo dục quận phối hợp với ngành chức năng bổ sung đất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, do đó quỹ đất này tăng lên hằng năm.

Với vai trò xây dựng XHHT từ cơ sở, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Định Môn (huyện Thới Lai) chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hằng năm, tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để có kế hoạch giảng dạy phù hợp. TTHTCĐ xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) tham mưu Đảng ủy, UBND đề ra nhiều biện pháp, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập để có nghề nghiệp ổn định. Từ năm 2011 đến nay, trung tâm phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xã mở 3 lớp nghề ngắn hạn trở lên/năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao dân trí cho lao động nông thôn. Hoặc TTHTCĐ xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh) kết hợp với cơ sở tôn giáo tại địa phương mở nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề văn hóa, văn nghệ vui tươi, bổ ích.

Còn vướng mắc...

Theo Ban chỉ đạo xây dựng XHHT-CMC-PCGD thành phố, Cần Thơ còn thiếu quỹ đất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học nhất là bậc học mầm non. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Năm 2015, thành phố phấn đấu xây dựng công nhận mới thêm 50 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo Nghị quyết HĐND thành phố, đến cuối năm 2015, thành phố phải có 235 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 106 trường so với năm 2014. Ông Nguyễn Quang Diệu, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, đề xuất: HĐND, UBND thành phố hàng năm dành nguồn vốn đầu tư thỏa đáng để phát triển giáo dục như: tăng quy mô trường lớp, phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn…, vì đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.

Thực tế cho thấy, công tác PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi còn một số khó khăn. Mạng lưới trường lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu gởi trẻ, thiếu phòng học cho các lớp mẫu giáo dưới 5 tuổi; quỹ đất dành xây dựng trường mầm non gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đô thị. Bên cạnh đó, trẻ 5 tuổi học bán trú ở một số địa phương đạt tỷ lệ chưa cao, cụ thể: Huyện Vĩnh Thạnh chiếm 70,76%, huyện Cờ Đỏ: 55,91%, huyện Phong Điền: 68,71%... Tình trạng bỏ học ở cấp THCS và THPT còn khá cao. Để hạn chế tình trạng này, ông Đường Khương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường An Thới, cho rằng: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa học sinh nghèo, tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các em có niềm tin, gắn bó và tích cực học tập.

Nhằm thu hút người học, các TTHTCĐ cần tăng cường hoạt động; khảo sát, điều tra nhu cầu học tập trong cộng đồng và vận động người dân đến học tập; mở các lớp với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Ban Chỉ đạo thành phố nhận định, một số TTHTCĐ hoạt động chưa hiệu quả, nội dung và hình thức tổ chức để người lao động học tập còn nghèo nàn; kinh phí hoạt động của các trung tâm chưa đảm bảo, cơ sở vật chất chưa được quan tâm đầu tư… Đơn cử như, TTHTCĐ xã Nhơn Nghĩa còn gặp khó khăn cơ sở vật chất chật hẹp; các lớp học nhờ hội trường UBND xã, nhà thông tin ấp, trường học…

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác CMC-PCGD-hoạt động TTHTCĐ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, lưu ý thời gian tới, để công tác CMC - PCGD ngày càng đi vào chiều sâu, Ban chỉ đạo các cấp làm tốt việc duy trì sĩ số, hạn chế lưu ban bỏ học; tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú các trường mầm non, mẫu giáo; đẩy nhanh lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Chia sẻ bài viết